100% xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí tổ chức sản xuất
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho thấy, nhóm tiêu chí về phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất trong xây dựng Nông thôn mới là một trong những nhóm tiêu chí được đánh giá cao vì hầu hết các địa phương đều hoàn thành với tỷ lệ 100% xã đạt và cơ bản đạt. Đơn cử như tiêu chí thu nhập, bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 của Hà Nội đạt 51,5 triệu đồng/người/năm. Qua rà soát, đến nay có 367 xã đạt và cơ bản đạt, còn 23 xã chưa đạt.
Tương tự, tiêu chí hộ nghèo, từ năm 2016 đến nay, thành phố tập trung hỗ trợ xây sửa nhà ở cho trên 8.000 người có công với cách mạng trong năm 2017 và 4.166 nhà ở cho hộ nghèo khu vực nông thôn trong năm 2018. Kết quả tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 5,43% (đầu năm 2016) xuống còn 0,69% (cuối năm 2019). Đến nay, thành phố có 378/386 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí hộ nghèo, còn 10 xã chưa đạt.
Tiêu chí lao động có việc làm, tỷ lệ thất nghiệp chung của Hà Nội năm 2019 chỉ còn 1,7%. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên là 98,3% vượt mục tiêu đề ra đến hết năm 2020 (đạt 95%). Đến nay, thành phố có 385 xã đạt và cơ bản đạt, còn một xã Ba Vì của huyện Ba Vì chưa đạt.
Đáng chú ý, về tiêu chí tổ chức sản xuất, hiện nay, Hà Nội hiện có 1.138 hợp tác xã, trong đó có 1.053 hợp tác xã đang hoạt động, gồm: 645 hợp tác xã tổng hợp, 314 hợp tác xã trồng trọt, 59 hợp tác xã chăn nuôi, 32 hợp tác xã thủy sản, 2 hợp tác xã lâm nghiệp và 1 hợp tác xã nước sạch nông thôn.
Sự hợp tác, liên kết giữa các hợp tác xã với nhau và với các thành phần kinh tế khác ngày càng được coi trọng. Nhiều mô hình liên doanh, liên kết được xây dựng và phát triển. Hình thức, nội dung liên kết, hợp tác đa dạng hơn như: Cung ứng vật tư, nguyên liệu cho sản xuất, giống cây trồng vật nuôi, sản phẩm hàng hoá, tạo vùng nguyên liệu tập trung cho các nhà máy của các hợp tác xã nông nghiệp; liên kết ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất; liên kết tiêu thụ sản phẩm, nông sản cho các hộ thành viên.
Nhiều hợp tác xã trên địa bàn các huyện đã chủ động phối hợp, liên kết với các doanh nghiệp giống - vật tư nông nghiệp của Trung ương và tại các tỉnh, thành phố trong nước để cung cấp giống, vật tư nông nghiệp cho các hộ nông dân; liên kết với các doanh nghiệp sản xuất sữa, chè trong việc tiêu thụ và chế biển sản phẩm của thành viên hợp tác xã.
Các hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở làng nghề đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp trong việc cung cấp nguyên liệu, vật tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ở trong nước và xuất khẩu.
Còn về phát triển kinh tế trang trại, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 2.912 trang trại, gồm 2.075 trang trại chăn nuôi, 454 trang trại tổng hợp, 198 trang trại nuôi trồng thủy sản, 184 trang trại trồng trọt, 1 trang trại lâm nghiệp. Hiệu quả sản xuất của trang trại ngày càng tăng và tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn thành phố.
Việc tập trung phát triển kinh tế trang trại góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tạo ra nhiều nông sản phẩm chất lượng, giá trị cho thị trường, chất lượng quản lý sản phẩm từ các trang trại được nâng lên, nhiều trang trại đã kết hợp với phát triển dịch vụ du lịch sinh thái nhằm thu hút khách du lịch, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo lá phổi xanh cho thành phố... Đây là loại hình kinh tế sử dụng hiệu quả các nguồn lực hiện có, nhất là nguồn lực lao động, đất đai, vốn.
Do tập trung thúc đẩy phát triển nông nghiệp, hợp tác xã, nhất là phát triển kinh tế trang trại, đến nay, trên địa bàn thành phố có 386 xã đạt và cơ bản đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất.
Không còn tình trạng nợ đọng xây dựng Nông thôn mới
Bên cạnh các nhóm tiêu chí về phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất trong xây dựng Nông thôn mới thì công tác huy động nguồn lực, quản lý và sử dụng nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 của Hà Nội cũng được đánh giá khá cao.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới từ năm đầu năm 2016 đến hết năm 2019 là 44.717 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương 46 tỷ đồng; ngân sách thành phố 16.225,4 tỷ đồng (hỗ trợ trực tiếp là 5.946,9 tỷ đồng; hỗ trợ theo chương trình lồng ghép là 10.278,5 tỷ đồng); ngân sách huyện 22.933,3 tỷ đồng; ngân sách xã 1.280,6 tỷ đồng.
Ngoài ra, vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước là 4.231,7 tỷ đồng, trong đó, đóng góp của nhân dân (bằng ngày công lao động trực tiếp, hiến đất làm các công trình công cộng...) là 1.913 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp, hợp tác xã là 1.700,3 tỷ đồng; các nguồn vốn khác là 618,5 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội rất quan tâm đến lĩnh vực phát triển nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. Do đó, hằng năm, HĐND thành phố và các huyện, thị xã, các xã đã bố trí ngân sách năm sau cao hơn năm trước, đồng thời, vận động tuyên truyền các tổ chức, cá nhân đóng góp ủng hộ xây dựng Nông thôn mới.
Việc quản lý và sử dụng kinh phí được phân bổ trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới được các cấp, ngành thực hiện bảo đảm theo đúng quy định, thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm.
Đến nay, trên địa bàn thành phố không còn tình trạng nợ đọng xây dựng Nông thôn mới.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, về dự kiến nguồn lực và khả năng huy động nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 là 89.000 tỷ đồng. Trong đó vốn lồng ghép của thành phố là 25.000 tỷ đồng, ngân sách thành phố hỗ trợ trực tiếp là 20.000 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện là 30.000 tỷ đồng, ngân sách cấp xã 2.000 tỷ đồng, vốn huy động ngoài ngân sách là 12.000 tỷ đồng.