Giao thương ngưng trệ, sản xuất cầm chừng
Làng gốm Bát Tràng từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm gốm lâu đời, là địa điểm hấp dẫn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trái ngược với khung cảnh khách du lịch kéo về nườm nượp ngày chưa có dịch Covid-19, thì trong những ngày cao điểm Hà Nội yêu cầu người dân hạn chế tối đa việc đi lại do dịch bệnh diễn biến phức tạp, tại làng gốm Bát Tràng, hầu hết các gian hàng dọc hai bên đường và trong chợ đều vắng bóng khách tới tham quan, mua sắm. Hàng loạt các gian hàng đóng cửa, chỉ có một vài gian hàng mở cửa cầm cự để giữ mối và tập trung vào bán online.
Bà Nguyễn Thị Minh, tiểu thương tại Chợ Gốm Bát Tràng cho biết: "Thông thường ở đây mỗi ngày ước tính đón vài chục xe 45 chỗ chở các đoàn khách du lịch về làng tham quan, mua sắm. Kéo theo đó, xe điện chở khách nườm nượp qua lại thì nay chỉ có lác đác vài khách du lịch đeo khẩu trang dạo chợ.
Thời gian trước, cứ đến thứ 7, Chủ nhật rất đông khách đến tham quan. Tuy nhiên, từ khi dịch bùng phát trở lại, 10 cửa hàng thì chỉ có 3 mở cửa. Để tránh dịch, người dân được khuyến cáo hạn chế đi lại nên ở đây gần như không có khách. Chúng tôi phải tập trung đẩy mạnh các mối bán online bằng hình thức giảm giá sản phẩm, thậm chí miễn phí giao hàng tại nhà”.
Hoạt động kinh doanh tại Bát Tràng thường sôi động nhất là 3 tháng đầu năm và 3 tháng cuối năm. Dịch Covid-19 không chỉ khiến hoạt động giao thương gần như ngưng trệ, mà còn ảnh hưởng đến hoạt động tổ chức sản xuất của các cơ sở. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chỉ hoạt động cầm chừng.
Anh Đinh Văn Phúc, chủ một cơ sở sản xuất tại làng gốm chia sẻ: “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động giao thương ở đây gần như tê liệt. Sản xuất ngừng trệ, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Các đầu mối bán hàng trong nước giao dịch cũng rất chậm, những đơn đặt hàng từ nước ngoài thì bị chững lại. Công nhân nghỉ làm gần hết. Sản lượng làm ra rất thấp, chỉ bằng 1/3 so với thời điểm cùng kỳ”.
“Hiện nay, hầu hết các cơ sở chỉ duy trì sản xuất nhỏ giọt. Cơ sở chúng tôi chỉ còn vài chục công nhân đi làm. Để đảm bảo sức khỏe phòng dịch, mọi người cũng ý thức được việc hạn chế giao tiếp trong giờ làm, đeo khẩu trang và đặc biệt không sử dụng đồ chung với người khác”, chị Trần Thị Thủy, quản lý một cơ sở sản xuất ở làng gốm chia sẻ.
Không riêng gì ở chợ, các khu dịch vụ trải nghiệm nặn gốm của những gia đình làm gốm, một nét đặc trưng thu hút đông đảo khách cũng đìu hiu không kém. Lác đác vài bóng người ngồi chơi, khách nước ngoài chỉ đếm trên đầu ngón tay.
“Mặc dù công tác phòng dịch khử trùng ở địa phương vẫn được tiến hành rất tốt nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và cả khách du lịch nhưng với tâm lý lo ngại dịch Covid-19 lây lan, nên khách đến tham quan, vui chơi rất ít”, chị Vũ Loan, chủ khu dịch vụ trải nghiệm nặn gốm tại chợ gốm Bát Tràng buồn rầu chia sẻ.
Tình trạng vắng khách tham quan du lịch không chỉ diễn ra ở làng gốm Bát Tràng mà tại làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) từ đầu năm tới nay cũng luôn trong cảnh vắng vẻ, buôn bán ế ẩm.
Chị Nguyễn Thu Trang, chủ cửa hàng SilkBoutique than thở: “Từ sau Tết tới nay, cửa hàng buôn bán ế ẩm, có khi cả ngày không có khách nào ghé tham quan chứ chưa nói tới mua hàng”.
Để bù lại lượng khách tới mua hàng trực tiếp, chị Trang cũng như một số chủ hàng tại đây đã chuyển sang đẩy mạnh bán hàng qua các kênh online, trang mạng xã hội.
Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc Phạm Khắc Hà cho biết, từ sau Tết, lượng khách tới làng nghề giảm khoảng 70%, ảnh hưởng trực tiếp là các cửa hàng kinh doanh lụa, dịch vụ ăn uống hay cho thuê quần áo.
Theo ông Hà, nguyên nhân khiến lượng khách đến làng nghề giảm mạnh một phần do sau Tết thời tiết mưa rét nên khách hàng không có nhu cầu mua các sản phẩm lụa nhưng nguyên nhân chính là ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tập trung đào tạo nhân lực, nâng cao tay nghề
Bàn về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở sản xuất trên địa bàn trong tình hình hiện nay, ông Phạm Văn May, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng cho biết: “Hiện các tổ chức sản xuất kinh tế của làng nghề đang tích cực động viên nhau ổn định tư tưởng, duy trì sản xuất ở mức độ ổn định để giữ vững mặt hàng. Đây cũng là giai đoạn để các doanh nghiệp, hộ sản xuất rà soát lại quy trình, vừa ổn định sản xuất, vừa nghiên cứu các mẫu mã mới để những tháng cuối năm có điều kiện sản xuất tốt hơn”.
Một trong những khó khăn đối với Bát Tràng hiện nay đó là vấn đề thiếu nguồn nguyên liệu. Trao đổi về vấn đề này ông Phạm Văn May cho biết, hiện tại Bát Tràng đang đẩy mạnh tìm kiếm những vùng nguyên liệu mới ở Hà Giang và khai thác thêm từ nguồn nước ngoài. Song song với đó là đẩy mạnh nâng cao kỹ thuật sản xuất, tìm thêm thị trường đầu ra cho sản phẩm...
Vấn đề du lịch cũng đang được Bát Tràng chú trọng và tập trung triển khai. Địa phương đã đầu tư kinh phí 2,5 tỷ đồng cho dự án mua xe điện và dự kiến sẽ chính thức hoạt động vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, để có hướng phát triển bền vững cho Bát Tràng thì theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam: “Để Bát Tràng thực sự trở thành điểm mạnh kinh tế của Thủ đô Hà Nội cần phải có những lối đi tổng thể. Đặc biệt là phải thống nhất được từ khâu nguyên liệu đầu vào cho tới đầu ra. Áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến và mở rộng quy mô sản xuất. Bên cạnh đó, hướng đi phát triển du lịch cần được đẩy mạnh, phối kết hợp tổng thể giữa sản phẩm với du lịch, trải nghiệm, giao lưu, ẩm thực...”.
Ngoài ra, ông Dần cũng nêu ý kiến và đề xuất, các làng nghề, nghệ nhân, thợ thủ công trước hết phải chủ động đưa ra những đề xuất cụ thể, về hướng đi, nguồn nguyên liệu cho tới nhân lực. Bên cạnh đó, Nhà nước cần phải có chính sách cho người dân, nhất là những nghệ nhân cao tuổi.
Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn chung bởi dịch Covid-19, các cơ sở sản xuất tại làng gốm cổ Bát Tràng tập trung nâng cao tay nghề, tạo ra các sản phẩm và áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để mở rộng quy mô sản xuất.
Trang thông tin có sự phối hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội