Ngày 23/4, Bộ Chính trị tổ chức hội nghị cán bộ toàn quốc tại trụ sở Trung ương Đảng, dưới sự chủ trì của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Cùng dự hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các ủy viên Trung ương Đảng khóa 12, ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, các bí thư tỉnh - thành uỷ, chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội, chính uỷ các quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô và đại diện Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch COVID-19.
Báo cáo trước Trung ương về tình hình, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các nhiệm vụ giải pháp phòng chống dịch và ổn định kinh tế xã hội trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đồng bào, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đồng lòng chung sức, quyết tâm phòng chống dịch.
Đến nay, chúng ta cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, ngăn chặn được sự lây lan trong cộng đồng, thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe người dân vừa duy trì sản xuất kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội. Các tổ chức quốc tế như Liên Hợp quốc, WHO, nhiều quốc gia, nhiều hãng truyền thông tuy tín đánh giá Việt Nam là mô hình chống dịch hợp lý, hiệu quả, chi phí thấp, được đông đảo người dân ủng hộ.
Trong thời gian qua, các bộ ngành, địa phương cũng thay đổi phong cách làm việc, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế, đảm bảo sự vận hành thông suốt của cả hệ thống kinh tế, xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, tất cả những điều đó thể hiện sự ưu việt của chế độ XHCN ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những lúc khó khăn, gai góc nhất là dịp để mỗi người dân Việt Nam thể hiện bản sắc, tinh thần dân tộc, tinh thần “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công thành công đại thành công”, tô thắm thêm truyền thống quý báu của Đảng dân tộc, bản lĩnh ý chí, khí chất của con người Việt Nam.
Thảo luận tại hội nghị, nhiều ý kiến nhận định, kinh nghiệm quan trọng rút ra trong quá trình chống dịch vừa qua là ngay từ đầu, Đảng, Nhà nước dự báo rất sớm tình hình, không để bị động bất ngờ, chuẩn bị sẵn chiến lược, mọi giải pháp ứng phó với dịch. Đặc biệt là sự vào cuộc rất nhanh chóng và chủ động của các bộ, ngành địa phương các lực lượng quân đội, công an, hay nói cách khác là sự vào cuộc rất sớm của cả hệ thống chính trị.
Một số ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục có nhiều giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi về tiếp cận vốn, tín dụng, thuế, cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ các doanh nghiệp và nền kinh tế tiếp tục phát triển bền vững, đảm bảo an sinh xã hội và chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn tăng tốc sau dịch.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ tầm quan trọng của hội nghị cán bộ toàn quốc lần này để thông tin phổ biến tới Trung ương và các lãnh đạo chủ chốt, các bộ, ban, ngành và các địa phương một số vấn đề cần thiết đặt ra để Trung ương cho ý kiến, chuẩn bị triển khai nhiều nội dung quan trọng trong thời gian tới.
Đánh giá về công tác phòng chống dịch COVID-19, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trân trọng cảm ơn nhân dân cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài đã dành tình cảm, sự ủng hộ to lớn đối với Đảng, Nhà nước trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước biểu dương nỗ lực không mệt mỏi của các cấp ủy, chính quyền, các ban, bộ ngành, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt là đội ngũ cán bộ y tế, chiến sỹ lực lượng vũ trang, cán bộ ngoại giao thông tin tuyên truyền đoàn thể đã thể hiện đúng tinh thần "chiến sỹ chống dịch như chống giặc".
Nhấn mạnh đến đánh giá của Liên hợp quốc, đại dịch COVID-19 là phép thử lớn nhất, làm rung chuyển thế giới, gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có về mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, với hệ lụy phải mất rất nhiều năm mới thấy hết. Chính vì vậy, thời gian tới, toàn Đảng toàn dân cần tiếp tục theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình, nghiên cứu sâu, dự báo các khả năng, ảnh hưởng của dịch đến nước ta và chuẩn bị sẵn các kịch bản đối phó để không bị đổ vỡ.
“Vừa qua, chúng ta thấy hình ảnh đất nước Việt Nam, vị thế trên thế giới khác hẳn, đặc biệt là lòng dân tin Đảng. Đó chính là mục đích yêu cầu của hội nghị. Vì thế các đồng chí cần phải phổ biến, tuyên truyền ở địa phương, tổng kết công tác này xem có gì cần rút kinh nghiệm không, như Trung ương làm và tiến hành đại hội cho tốt, với tinh thần là chống dịch nhưng phải phát triển để kinh tế không bị ách tắc”.
Đề cập về công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, đại hội có nội dung rất quan trọng là quyết định đường lối chủ trương lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong thời gian 5 năm, 10 năm tới, nhất là trong tình hình mới. Dự thảo văn kiện đại hội phải bổ sung, đánh giá thêm để nâng tầm vị thế của đất nước, kích thích phát động, làm sâu sắc trong toàn Đảng, toàn dân, để dân tộc ta có khí thế mới đưa đất nước tiếp tục phát triển bền vững.
Đánh giá công tác chuẩn bị nhân sự có ý nghĩa quyết định để Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 thành công tốt đẹp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Nói về công tác nhân sự có 4 vấn đề, một là phải xác định vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chuẩn bị nhân sự đại hội. Thứ hai, yêu cầu đặt ra cho công tác nhân sự của đại hội 13 là có gì mới? Thứ ba, nội dung phương pháp, cách thức tiến hành thế nào? Thứ 4 là trách nhiệm của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đại hội đảng bộ các cấp có tốt thì Đại hội Đảng toàn quốc mới tốt và phải mang tính toàn diện tổng thể như vậy”.
Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, bất kỳ lĩnh vực, địa phương nào thì cán bộ bao giờ cũng đóng vai trò quyết định. Công tác cán bộ không chỉ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng mà còn là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắc lại câu nói của Lê-nin: Hãy cho tôi một tổ chức những người cách mạng, tôi sẽ làm đảo lộn cả nước Nga; sau đó Lê-nin bắt tay vào xây dựng Đảng, tiến hành Cách mạng Tháng Mười Nga long trời lở đất, thay đổi cả thế giới.
Còn Bác Hồ của chúng ta không phải ngẫu nhiên khẳng định, cán bộ là cái gốc của mọi công việc, việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém và huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng.
“Suốt cả quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định, công tác cán bộ chịu sự quy định của đường lối chính trị phục vụ đường lối chính trị, cán bộ lại làm ra đường lối chính trị có quan hệ biện chứng như thế, cán bộ ra đường lối chính trị sai thì sai ngay từ gốc cho nên nó cực kỳ quan trọng”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhận định.
Nhấn mạnh yêu cầu đặt ra cho công tác nhân sự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, đại hội là sự kiện chính trị rất quan trọng, thời điểm đất nước trải qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh Xây dựng đất nước thời kỳ quá độ đó là Cương lĩnh năm 91, trong đó có 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011; 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011- 2020, hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng vào 2030 và kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước 2045.
Đại hội cũng là dấu mốc rất quan trọng, có ý nghĩa, định hướng tương lai, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Chính vì vậy, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải xác định đúng yêu cầu xây dựng Ban Chấp hành Trung ương hạt nhân là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn tới.
“Về tiêu chuẩn, phải chăng nên phải nhấn tính toàn diện, có phẩm chất đạo đức, có trí tuệ, tầm nhìn xa, có tư duy chiến lược, có phương pháp lãnh đạo tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Đảng, với sự nghiệp của chúng ta, có trí tuệ, có tầm nhìn, có tư duy chiến lược và kiến thức tương đối toàn diện để tham gia hoạch định được đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và đặc biệt là lãnh đạo tổ chức thực hiện thành công công việc. Tại sao trong Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du nói một chữ tâm thế mới bằng ba chữ tài, có tài mà cậy chi tài, chữ tài liền với chữ tai một vần đúc kết cũng rất hay, chỗ này có thể xử lý mối quan hệ này. Tôi nêu vấn đề thế để các đồng chí suy nghĩ”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội 13 của Đảng không chỉ là nhiệm vụ của Tiểu ban Nhân sự, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Ban Chấp hành Trung ương mà là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, của các cấp ủy, tổ chức đảng các cơ quan, đơn vị.
Chính vì vậy, các địa phương phải làm tốt công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp để góp phần chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội 13. Bởi dưới có vững thì trên mới vững chắc, nhất là người đứng đầu và ở những nơi mà có cán bộ tham gia quy hoạch, cán bộ chiến lược được giới thiệu tham gia Ban Chấp hành Trung ương khoá 13 phải chịu trách nhiệm trước Tiểu ban Nhân sự, trước Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương về nhân sự do mình đề xuất, giới thiệu.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị, từng cơ quan, địa phương, từng cán bộ trực tiếp tham gia vào công tác chuẩn bị nhân sự cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc trách nhiệm của mình, toàn tâm, toàn ý lo cho công việc chung, phải đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, của nhân dân lên trên hết. Bên cạnh đó, chú trọng tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm chỉ ra những ưu điểm, kết quả cũng như khuyết điểm, hạn chế các khoá trước để có thêm cơ sở đề ra phương hướng, yêu cầu nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ khoá 13 tới.
“Công tác cán bộ nói chung và công tác nhân sự đại hội nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhưng cũng cực kỳ phức tạp, khó khăn lắm vì nó liên quan đến con người mà như nhà văn Nga Maxim Gorky nói, con người hai tiếng ấy vang lên kiêu hãnh làm sao, con người rất cao quý. Nhưng con người cũng có đủ thứ chứng tật không lành mạnh, nhận xét, đánh giá thế nào? Nhất là nói về nhược điểm, khuyết điểm của nhau. Cha ông ta tổng kết, thua trời một vạn, không bằng một ly, kém một tí, không chịu được miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng thì lộn gan lên đầu, người ta xây dựng con người cộng sản chấm dứt tình trạng này được không, thật sự đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên không?”.
Trên tinh thần này, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, công tác nhân sự tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 sắp tới phải được tiến hành theo quy trình chặt chẽ, khoa học, nhất quán, bảo đảm sự công tâm, thật sự công bằng, trong sáng, khách quan.
Đặc biệt, phải có con mắt tinh đời trong việc giới thiệu, đánh giá, lựa chọn lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, nhất là hiệu quả công tác, uy tín của bản thân và gia đình để làm thước đo chủ yếu; phải lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, tiêu chuẩn hiệu quả, uy tín của bản thân công việc rồi gia đình, con cái làm thước đo không để bị đánh lừa bởi những động tác giả dễ đề cao, giấu khuyết điểm, thích khoe thành tích mà phải trên cơ sở xác định rõ tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá đúng cán bộ, lựa chọn đúng người, sắp xếp đúng việc, bố trí đúng chỗ để tạo ra một tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thật sự ăn ý, đoàn kết, thống nhất, có sức mạnh đưa đất nước tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới.