Tết của những nhà báo gen Z Cái Tết “3 không” của nhiều người trẻ |
Ngại đi học, đi làm…
Trở lại Thủ đô sau 9 ngày nghỉ lễ Tết Nguyên đán và đã đi làm được hai ngày nhưng Nguyễn Đức Minh (25 tuổi, quê ở Nam Định) vẫn trong trạng thái uể oải. Minh cho biết: “Mình hào hứng khi được gặp lại bạn bè và đồng nghiệp sau thời gian nghỉ lễ nhưng vẫn cảm thấy tiếc nuối vì Tết trôi qua nhanh. Tết được quây quần bên gia đình, là thời gian mình cảm thấy yên bình, thư thái nhất khi không phải chạy deadline”.
Vì thế, việc quay trở lại thành phố làm việc khiến Minh có chút “không nỡ”. Đang quen với việc được ngủ nướng đến 8h sáng, nay phải dậy sớm từ 5h30 sáng khiến chàng trai trẻ thấy khó khăn. “Mình cách xa chỗ làm hơn 20km nên để kịp giờ làm bao giờ cũng phải dậy sớm. Hơn nữa, sau chuỗi ngày chơi “thả ga” ngày Tết mình thấy ngại khi phải đi học, đi làm với cường độ lớn. Điều này cũng chính là nguyên nhân khiến mình trở nên khó tập trung khi làm việc”, Minh nói.
![]() |
Kỳ nghỉ lễ kéo dài khiến nhiều bạn trẻ khó bắt nhịp lại với công việc, học tập |
Những ngày đầu đi làm sau Tết, Nguyễn Trung (27 tuổi, Thái Bình) không khỏi cảm thấy ngao ngán khi phải đối diện với cảnh tắc đường. Trung cho biết, mặc dù khối lượng công việc sau Tết không quá nhiều nhưng nghĩ đến cảnh dậy sớm, đều đặn đi làm khiến chàng trai thấy uể oải.
“Khi đang trong trạng thái nghỉ xả hơi, được ăn chơi, đột nhiên quay trở lại “khuôn” làm việc, mình thấy có chút hụt hẫng. Mình còn đang học thêm văn bằng 2, hạn nộp tiểu luận ngay sau Tết càng khiến mình ngao ngán, thậm chí cảm thấy áp lực”, Trung bày tỏ.
Cùng chung tâm trạng, Nguyễn Đức Thành (30 tuổi, Hà Nội) cho biết, năm nào cũng vậy, sau kỳ nghỉ lễ chàng trai trẻ lại cảm thấy không thể tập trung làm việc được. Thành và nhóm bạn sẽ rủ nhau đi "tân niên" bằng những bữa tiệc hoặc du xuân đầu năm.
“Mất khoảng 2 tuần sau kỳ nghỉ lễ mình mới thực sự trở lại guồng quay và làm việc có hiệu quả. Dù điều này gây ra nhiều phiền toái, khiến mình không đảm bảo công việc được giao nhưng vẫn không thể tập trung làm việc được", Thành cho biết.
Cách nào để vượt qua?
Nguyễn Lan Chi, nhân viên văn phòng ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, cô cũng từng gặp "hội chứng sau Tết", dường như mọi việc sau kỳ nghỉ đều chậm chạp. Tuy nhiên, sau nhiều năm đối diện với hội chứng này, Chi đã lên cho mình kế hoạch để vượt qua.
![]() |
Điều chỉnh giờ giấc sinh hoạt , ăn uống lành mạnh là một trong những cách hữu hiệu khiến bạn thêm năng lượng làm việc sau kỳ nghỉ Tết. Ảnh Trí Nhân |
"Nếu trước kỳ nghỉ, mình thường dậy từ 6h để tập thể dục, ăn sáng cùng gia đình và đi làm thì ngày nghỉ lễ mình vẫn duy trì thói quen này. Tuy nhiên, thay vì đi học, đi làm thì trong thời gian nghỉ lễ cả nhà sẽ vui chơi hay trang trí nhà cửa… Như vậy, mốc thời gian thường nhật không bị xáo trộn, bố mẹ hay các con không cảm thấy uể oải khi quay lại đi làm hay học tập”, Chi chia sẻ.
Nguyễn Mạnh Cường (Long Biên, Hà Nội) cho biết, để tránh tình trạng uể oải, trước kỳ nghỉ Tết 2 ngày chàng trai sẽ đi ngủ sớm hơn thay vì xem điện thoại hay chơi game đến khuya. Sáng hôm sau dậy đúng giờ, Cường sẽ dậy tập thể dục nhẹ nhàng để tinh thần thoải mái. Bên cạnh đó, khi quay trở lại với công việc chàng trai cũng không ép bản thân làm việc với cường độ cao ngay lập tức mà bắt đầu từ những việc nhỏ trước.
Theo phân tích của các chuyên gia tâm lý, việc cảm thấy mệt mỏi, thiếu động lực sau kỳ nghỉ Tết là hiện tượng bình thường do cơ thể chưa kịp thích nghi với sự thay đổi đột ngột trong thói quen sinh hoạt. Nhiều người nảy sinh tâm lý mệt, muốn chơi tiếp, khó trở lại với công việc. Đó có thể là cảm giác cô đơn, trống rỗng, chán nản, căng thẳng...
Các chuyên gia khuyên rằng để nhanh chóng lấy lại nhịp sống, bạn nên điều chỉnh giờ giấc sinh hoạt càng sớm càng tốt, đặc biệt là đảm bảo ngủ đủ giấc và ăn uống lành mạnh. Bạn nên quay lại lịch trình ngủ - thức khoa học, đảm bảo ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày. Việc duy trì giờ giấc ổn định giúp cơ thể nhanh chóng thích nghi và tăng cường sự tỉnh táo.