Trong vài năm trở lại đây, xu hướng cho con em du học ngay từ bậc trung học cơ sở ngày càng được nhiều phụ huynh Việt Nam quan tâm. Sự thay đổi tư duy giáo dục toàn cầu cùng với tốc độ hội nhập mạnh mẽ đã khiến việc học tiếng Anh và chuẩn bị nền tảng học thuật từ sớm trở thành yêu cầu tất yếu.
Trong đó, thế hệ Gen Z - những người trẻ lớn lên trong kỷ nguyên số, được kỳ vọng sẽ tận dụng được lợi thế của mình để chủ động nắm bắt cơ hội học tập và phát triển tại môi trường quốc tế.
Tăng tốc từ sớm: Nền móng cho tương lai toàn cầu
Hiện có tới hàng trăm nghìn du học sinh Việt Nam đang học tập tại các quốc gia trên thế giới, đưa Việt Nam vào nhóm nước có số lượng du học sinh lớn nhất toàn cầu. Đáng chú ý, nhiều gia đình không đợi đến bậc đại học mà đã định hướng du học từ cấp tiểu học hoặc trung học cơ sở, với mục tiêu tạo dựng hành trang vững chắc cả về ngôn ngữ, học thuật lẫn kỹ năng sống.
Chị Bành Phạm Ngọc Vân, Giám đốc thị trường Việt Nam của Cơ quan Giáo dục New Zealand (thuộc Tổng Lãnh sự quán New Zealand tại TP Hồ Chí Minh), cho biết, hiện nhiều phụ huynh đã đầu tư cho con học IELTS ngay từ tiểu học. Tuy nhiên, theo chị Vân, các trường trung học tại New Zealand không yêu cầu học sinh phải đạt một mức điểm IELTS cố định, mà thường thông qua phỏng vấn và đánh giá năng lực sử dụng tiếng Anh trong thực tế. Điều này cho thấy, ngoài chứng chỉ, kỹ năng mềm và khả năng giao tiếp hiệu quả là yếu tố rất được chú trọng.
![]() |
Chị Bành Phạm Ngọc Vân, Giám đốc thị trường Việt Nam của Cơ quan Giáo dục New Zealand (Ảnh NVCC) |
“Việc học IELTS từ nhỏ có thể giúp học sinh hình thành nền tảng tiếng Anh học thuật tốt. Tuy nhiên, quan trọng hơn là các em cần có tư duy độc lập, kỹ năng viết luận, tư duy phản biện và khả năng trích dẫn, nghiên cứu - những yêu cầu phổ biến trong môi trường học tập quốc tế”, chị Ngọc Vân nhấn mạnh.
Chị Hà Đặng Như Quỳnh, Giám đốc học thuật Học viện Tiếng Anh tư duy DOL English, đánh giá: Việc các em nhỏ chưa bị ảnh hưởng bởi phương pháp học “mẹo”, học vẹt là một lợi thế lớn nếu được hướng dẫn đúng cách ngay từ đầu. Với phương pháp Linearthinking - một mô hình dạy tiếng Anh theo tư duy logic - DOL đã giúp nhiều học sinh tiểu học tiếp cận tiếng Anh một cách bài bản, khoa học và hiệu quả.
![]() |
Chị Hà Đặng Như Quỳnh, Giám đốc học thuật Học viện Tiếng Anh tư duy DOL English (Ảnh NVCC) |
Chị Như Quỳnh chia sẻ: “Thay vì dạy phát âm bằng cách phiên âm sang tiếng Việt, chúng tôi giúp học sinh làm quen với bảng phiên âm quốc tế IPA ngay từ đầu. Cách học từ vựng cũng không phải liệt kê rời rạc mà là hệ thống hóa theo chủ đề và tình huống sử dụng thực tế”.
Một minh chứng cụ thể là em Nguyễn Quang Minh, học sinh lớp 9, Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đã đạt tổng điểm IELTS 8.5 nhờ khởi đầu việc học tiếng Anh từ sớm với lộ trình rõ ràng và chiến lược học tập hợp lý.
Yếu tố “vàng” để học sinh hội nhập quốc tế
Với độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở, khả năng tập trung còn hạn chế, nên việc thiết kế bài giảng cần sinh động, trực quan, mang tính tương tác cao. Các chuyên gia khuyến nghị việc dạy tiếng Anh cho trẻ nên gắn liền với hình ảnh, trò chơi, câu chuyện, hoặc bài hát để các em cảm thấy hứng thú và không bị áp lực.
![]() |
Em Nguyễn Quang Minh, học sinh lớp 9 Trường THCS-THPT Trần Đại Nghĩa đã đạt tổng điểm IELTS 8.5 (Ảnh NVCC) |
Chị Như Quỳnh cũng cho biết: “Có ý kiến cho rằng học IELTS từ tiểu học là quá sớm, nhưng thực chất IELTS là một kỳ thi đánh giá trình độ tiếng Anh học thuật chứ không phải chương trình học nặng nề. Điều cốt lõi là cách tiếp cận phù hợp với độ tuổi và mục tiêu học tập cụ thể”.
Một yếu tố khác ảnh hưởng lớn đến hiệu quả học tiếng Anh là sĩ số lớp học. Các nghiên cứu cho thấy lớp học quá đông sẽ làm giảm khả năng tương tác cá nhân giữa giáo viên và học viên, điều rất quan trọng trong việc sửa lỗi phát âm, luyện kỹ năng nói, viết và giúp học sinh tiến bộ rõ rệt.
![]() |
Du học sinh, sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ (Ảnh: Hội Sinh viên Thanh niên Việt Nam tại New York) |
Theo chị Như Quỳnh, trong những lớp học tiếng Anh chất lượng, giáo viên không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn phải rèn luyện tư duy học tập độc lập cho học sinh, từ đó hình thành khả năng tự học, tự tra cứu và tự ứng dụng ngôn ngữ trong cuộc sống.
Xu hướng du học từ bậc trung học mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra yêu cầu cao về sự chuẩn bị. Với Gen Z - thế hệ có khả năng tiếp cận thông tin và công nghệ vượt trội, nếu được định hướng sớm, học đúng cách và theo lộ trình hợp lý, việc học tiếng Anh sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh bền vững. Quan trọng hơn cả, hành trang để du học thành công không chỉ là kỹ năng ngôn ngữ, mà còn là khả năng tư duy, giao tiếp, thích ứng văn hóa và phát triển bản thân trong môi trường quốc tế.