Quyết liệt cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024
Chính sách về văn hóa trong Luật Thủ đô năm 2024 có hai nhóm quan trọng, gồm nhóm chính sách về bảo vệ và nhóm chính sách về phát triển các giá trị văn hóa Thủ đô.
Cụ thể, nhóm chính sách về bảo vệ với những quy định đáng chú ý như cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn khu vực nội đô lịch sử của Thủ đô; cho phép thành phố quy định mức hỗ trợ cao hơn so với quy định hiện hành cho nhiều đối tượng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, các nghệ nhân và người thực hành di sản văn hóa phi vật thể…
Nhóm chính sách về phát triển các giá trị văn hóa đưa ra những ưu đãi đặc thù, vượt trội, trong đó có quy định về việc thành lập các khu phát triển thương mại và văn hóa. Luật quy định thành phố Hà Nội được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa, phù hợp với quy hoạch.
Đồng thời, giao HĐND thành phố quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục thành lập; việc tổ chức, hoạt động, biện pháp quản lý và chính sách ưu đãi được áp dụng đối với trung tâm công nghiệp văn hóa sử dụng nguồn lực của thành phố (Khoản 7 Điều 21).
Cụ thể hóa Luật Thủ đô 2024, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Dự thảo Nghị quyết Quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa.
Theo đó, thành phố ưu tiên lập quy hoạch và bố trí quỹ đất; ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng công nghiệp văn hóa; huy động nguồn lực thực hiện các dự án phát triển công nghiệp văn hóa để giao hoặc cho trung tâm công nghiệp văn hóa thuê; Ưu tiên xem xét chuyển đổi công năng của công trình tài sản công thành các không gian sáng tạo văn hóa mới để phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa.
![]() |
Không gian sáng tạo tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm |
Bên cạnh đó, Trung tâm công nghiệp văn hóa, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong trung tâm công nghiệp văn hóa được hưởng chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư mới vào các ngành công nghiệp văn hóa theo quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 43 Luật Thủ đô.
Trường hợp thuê công trình tài sản công để thành lập trung tâm công nghiệp văn hoá, nhà đầu tư được miễn tiền thuê trong 5 năm đầu thành lập, giảm 50% tiền thuê công trình trong 5 năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, thành phố ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước các cấp của thành phố để hỗ trợ lãi suất vay vốn để đầu tư xây dựng; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghiệp văn hóa; hỗ trợ tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch của thành phố; Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo thông qua các chương trình tài trợ và vườn ươm doanh nghiệp; Hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích người dân và doanh nghiệp thực hiện các cơ chế hợp tác công tư trong phát triển công nghiệp văn hóa; khuyến khích xây dựng, hình thành, phát triển các loại quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ, quỹ giải thưởng theo hình thức hợp tác công tư.
Cơ hội lớn, động lực mới cho các nhà sáng tạo
Đánh giá cao Dự thảo này, kiến trúc sư Đinh Việt Phương, Founder Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế & Giải pháp Công nghệ 3DART chia sẻ: “Đây thực sự là một tin vui đối với giới sáng tạo. Việc quy định rõ cách thức thành lập các trung tâm công nghiệp văn hóa cũng như các cơ chế ưu đãi rõ ràng đã tạo môi trường để các nghệ sĩ, nhà sáng tạo thể hiện ý tưởng đổi mới, sáng tạo và phát triển sản phẩm văn hóa; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất và phân phối sản phẩm văn hóa".
![]() |
KTS Đinh Việt Phương, Founder Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế & Giải pháp Công nghệ 3DART |
Bên cạnh đó, theo Dự thảo này, việc thành phố cho phép kết hợp nguồn lực nhà nước và tư nhân để đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ và sản phẩm văn hóa là một sự gỡ bỏ “nút thắt” về thể chế, để các thành phần kinh tế có thể tham gia vào phát triển công nghiệp văn hóa. "Tôi cho rằng, đây là một quyết sách rất đúng đắn, trong bối cảnh coi nguồn lực văn hóa là “sức mạnh nội sinh”. Hợp tác công – tư rõ ràng, minh bạch – điều mà chúng tôi chờ đợi bấy lâu đã thành hiện thực” – KTS Đinh Việt Phương nói.
Cùng chung tâm trạng vui mừng và tràn đầy hy vọng, thủ nhang đền Rừng – nghệ nhân Hoàng Xuân Mai cho biết, bản thân ông và Ban quản lý di tích đền Rừng đã và đang nỗ lực để đưa đền Rừng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với giới trẻ. Ông thấy vui mừng vì Điều 4 trong Dự thảo này quy định rõ ràng nguyên tắc thành lập, tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa. Đó là: Bảo đảm hài hòa giữa bảo vệ và phát triển, phát huy tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô và trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phải phù hợp với quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch đê điều và các quy hoạch khác có liên quan.
Với chính sách này, những di tích hội tụ thế mạnh về không gian, cảnh quan và những câu chuyện lịch sử, văn hóa, sẽ có cơ hội trở thành những trung tâm văn hóa nếu ban quản lý đi đúng hướng. Chúng tôi mong muốn Nghị quyết được sớm ban hành và đi vào đời sống” – ông Hoàng Xuân Mai nói.