Đại biểu Quốc hội đề xuất kéo dài giảm thuế VAT sang năm 2025 Một công ty xuất nhập khẩu nông sản bị dừng làm thủ tục hải quan Đề xuất thực hiện mô hình cửa hàng miễn thuế tại trung tâm thành phố |
Chiều 17/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT).
![]() |
Đại biểu Hoàng Văn Cường |
Cân nhắc tăng thuế 5% với phân bón
Thảo luận tại tổ Hà Nội về dự án Luật Thuế GTGT (sửa đổi), đại biểu Hoàng Văn Cường bày tỏ quan tâm việc dự thảo quy định áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 5% đối với phân bón.
Đại biểu cho rằng, nếu tăng thuế GTGT lên 5% đối với phân bón nhập khẩu, giá bán sẽ cao hơn mức hiện nay. Điều này có thuận lợi là hạn chế nhập khẩu nhưng người nông dân sẽ chịu mức thuế 5% cộng vào giá bán, rất bất lợi cho sản xuất.
“Coi trọng nông nghiệp là bệ đỡ cho nền kinh tế thì phải tạo điều kiện phát triển nông nghiệp”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói và cho rằng, quy định sẽ có lợi cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước hơn là doanh nghiệp nhập khẩu.
Về định hướng tăng mức thuế suất phổ thông, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, đây là vấn đề rất cần cân nhắc vì hiện nay muốn khuyến khích, thúc đẩy sản xuất thì phải giảm thuế. Nếu tiếp tục tăng thuế GTGT sẽ xảy ra tác động ngược so với mong muốn.
“Việc cải cách thuế hướng vào tăng thuế giá trị gia tăng cần hết sức cân nhắc. Chúng ta còn có dư địa cải cách thuế ở nhiều lĩnh vực khác, điển hình như thuế tài sản, hầu như chưa thu được đồng nào. Trong khi đó, thuế tài sản sẽ điều tiết thu nhập, hoạt động của các nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là những người có thu nhập cao, tài sản lớn”, đại biểu nói.
![]() |
Đoàn ĐBQH TP Hà Nội thảo luận tại tổ |
Đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn Hà Nội) thì lo ngại vấn đề hóa đơn giả. Đại biểu cho rằng, vấn đề hoàn thuế GTGT dẫn đến lợi ích rất lớn nên việc làm giả hóa đơn nhằm hoàn thuế gây thiệt hại rất lớn với hàng nghìn tỷ đồng.
“Cần có giải pháp cụ thể hơn đối với vấn đề này, nếu chỉ quy định như dự thảo Luật sẽ khó đạt được mục tiêu phòng, chống làm giả hóa đơn”, đại biểu Phạm Đức Ấn nói.
Có quy định bắt buộc công chứng hồ sơ thành lập doanh nghiệp
Cùng ngày, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).
Đại biểu Quốc hội Lê Nhật Thành góp ý vào Điều 9 Dự thảo Luật quy định về đào tạo nghề công chứng đã sửa đổi quy định miễn đào tạo nghề công chứng, tham dự khóa bồi dưỡng 6 tháng với một số đối tượng là người đã có thời gian làm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên, luật sư đã hành nghề từ 5 năm trở lên; giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ chuyên ngành luật... như Luật Công chứng hiện hành; thay vào đó là quy định những đối tượng này phải tham gia khóa đào tạo nghề với thời gian 6 tháng.
![]() |
Đại biểu Lê Nhật Thành |
Ông nghề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ sự cần thiết phải có thay đổi này. Việc miễn đào tạo nghề công chứng với những đối tượng trên trong thời gian qua gặp phải khó khăn, vướng mắc hay phát sinh tiêu cực gì mà đặt ra vấn đề phải thay đổi?.
Góp ý vào điểm c, khoản 2 điều 43 Dự thảo Luật về địa điểm công chứng quy định, việc công chứng có thể thực hiện được ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng nếu người yêu cầu công chứng đang thực hiện các nhiệm vụ, công việc đặc thù mà không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.
Ông Thành đề nghị quy định cụ thể trong dự thảo Luật các nhiệm vụ, công việc đặc thù nào để thống nhất, tránh tuỳ tiện trong việc áp dụng pháp luật. Ngoài ra đề nghị cân nhắc bổ sung quy định công chứng ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp công chứng trực tuyến.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị quy định bắt buộc công chứng hồ sơ thành lập doanh nghiệp do hiện nay thủ tục thành lập doanh nghiệp còn dễ, chưa chặt chẽ, tạo kẽ hở để lợi dụng vào các mục đích phi pháp; có tình trạng nâng khống vốn điều lệ, thuê người đứng tên doanh nghiệp, giả mạo hồ sơ doanh nghiệp, thành lập doanh nghiệp để hợp thức hóa hành vi vi phạm pháp luật như trốn thuế, rửa tiền, thao túng giá cả thị trường...
Do đó cần có công cụ kiểm soát tính hợp pháp với hồ sơ thành lập doanh nghiệp và các giao dịch trong nội bộ doanh nghiệp, phòng ngừa rủi ro cho các chủ thể thành lập doanh nghiệp.
![]() |
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà |
Ông Hà nêu thực tế, theo khảo sát hiện nay, chỉ cần có 1 bản sao căn cước công dân và 2 triệu đồng phí dịch vụ là có thể thành lập một doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp không cần xuất hiện, thậm chí không cần ký vào hồ sơ.
Đại biểu lấy dẫn chứng là vụ án điển hình Vạn Thịnh Phát, với hàng loạt hành vi làm giả hồ sơ doanh nghiệp, lập khống hồ sơ vay vốn, thuê người đứng tên cổ phần… Bị cáo Trương Mỹ Lan bị cáo buộc thao túng 95% cổ phần SCB và điều hành hơn 1.000 doanh nghiệp, gây thiệt hại hàng trăm ngàn tỷ đồng.
“Việc giả mạo chữ ký trong điều lệ doanh nghiệp, biên bản họp hội đồng quản trị, hội đồng thành viên và các văn bản nội bộ doanh nghiệp diễn ra nhiều, đã có nhiều vụ án liên quan, để lại hậu quả lớn”, ông Hà nói.
Do đó, đại biểu cho rằng cần có công cụ kiểm soát tính hợp pháp đối với hồ sơ thành lập doanh nghiệp và các giao dịch trong nội bộ doanh nghiệp, phòng ngừa rủi ro cho các chủ thể giao dịch với doanh nghiệp. Lý do nữa được đại biểu nêu là các quốc gia phát triển trên thế giới quy định bắt buộc công chứng hồ sơ thành lập doanh nghiệp và các văn bản trong nội bộ doanh nghiệp, điển hình là Nhật bản, Đức, Pháp…