Theo kết quả có được từ cuộc điều tra quốc gia về người khuyết tật năm 2016 của Tổng cục Thống kê, cơ hội tiếp cận trường học của trẻ em khuyết tật thấp hơn nhiều trẻ em không khuyết tật.
Tỷ lệ đi học đúng tuổi cấp tiểu học của trẻ khuyết tật khoảng 88,7%, trong khi tỷ lệ này của trẻ không khuyết tật là 96,1%. Chênh lệch về tỷ lệ đi học giữa trẻ khuyết tật và không khuyết tật tăng lên ở các cấp học cao hơn. Đến cấp Trung học phổ thông chỉ có 1/3 trẻ khuyết tật đi học đúng tuổi (33,6%), so với tỷ lệ 2/3 trẻ em không khuyết tật (88,6%).
![]() |
Đối với trình độ học vấn của người khuyết tật ít nhất một chức năng theo tiêu chí mở rộng (WG-ES) ở độ tuổi từ 18 tuổi trở lên cho thấy, chỉ chiếm 1,65% có trình độ cao đẳng, đại học và 2,5% có trình độ trung cấp, còn lại là chưa hoàn thành tiểu học (24,21%) hoặc tiểu học (8,26%).
Riêng những trường hợp khuyết tật từ 2 chức năng trở lên có trình độ cao đẳng, đại học chỉ chiếm 0,61% và 0,81% người khuyết tật có học vấn ở trình độ trung cấp. Tương tự, có đến 14,41% người khuyết tật đa chức năng này chưa hoàn thành bậc tiểu học và 3,72% hoàn thành bậc tiểu học.
Ngoài ra còn có sự chênh lệch rõ rệt trong đào tạo nghề, cứ 100 người khuyết tật từ 15 tuổi trở lên thì chỉ có 7 người được dạy nghề (7,3%), trong khi con số này ở người không khuyết tật là 22 người (21,9%).
Hiện nay, có rất nhiều sinh viên khuyết tật đang theo học ở các trường đại học khác nhau. Các bạn đã và đang từng ngày phấn đấu vượt qua những khó khăn để chinh phục ước mơ. Tuy vậy, cũng có không ít bạn đã phải từ bỏ ước mơ còn dang dở bởi những áp lực cuộc sống và định kiến xã hội.
![]() |
Trường Đại học Sư phạm TP.HCM là một trong những cơ sở giáo dục có nhiều sinh viên khuyết tật đang theo học nhất cả nước. Các bạn ở đây đang ngày đêm phấn đấu để trở thành những nhà giáo tương lai, những con người sống có ích cho xã hội cộng đồng trong khi phải đối mặt với rất nhiều rào cản, thách thức đòi hỏi nhiều nỗ lực phấn đầu từ chính các bạn.
Trong một cuộc khảo sát của CLB No Distance về nhu cầu cần hỗ trợ khó khăn trong lúc đi học của sinh viên khuyết tật đang học tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM cho biết: Có 80% sinh viên cần hỗ trợ in ấn tài liệu học tập, 60% sinh viên mong muốn nhận được sự hỗ trợ trong việc đến trường; tìm kiếm tài liệu học tập; mua sách; đưa đến các công viên để tập thể dục, hít thở không khí trong lành và 40% sinh viên cần hỗ trợ những mặt khác như là dạy thêm, làm thêm.
Từ đó, Dự án “Tôi tự lực vì chính tôi” được ra đời, với kỳ vọng lan toả câu chuyện về “tinh thần tự lực” thông qua là chuỗi hoạt động phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ sinh viên khuyết tật tự lực thoát khỏi nguy cơ nghèo khó bằng cách trang bị cho các bạn năng lực văn hoá và năng lực chuyên môn làm việc để sinh viên khuyết tật không gặp rào cản hoà nhập với xã hội và tiếp cận với nhiều cơ hội việc làm trong tương lai từ đó tự tạo ra giá trị cho xã hội như cách mà bản thân các bạn mong muốn.
Mục tiêu của dự án là phổ biến và hướng dẫn cho người khuyết tật tiếp cận, sử dụng các giải pháp phần mềm giúp người khuyết tật hoà nhập cộng đồng như: Dmap, ActionBlocks, Dlaw…; Chia sẻ kiến thức và kỹ năng thông qua chuỗi hoạt động training, mentoring…; Tư vấn các vấn đề pháp lý dành cho sinh viên khuyết tật để họ dễ dàng tiếp cận và cập nhật các văn bản luật và chính sách, thủ tục hành chính; được giải đáp thắc mắc cho từng trường hợp cụ thể; được bày tỏ ý kiến của mình về những văn bản pháp luật liên quan đến mình
![]() |
Đến thời điểm hiện tại, dự án đã thu gặt được một số kết quả khả quan như đã có 50 em sinh viên khuyết tật được hưởng lợi từ dự án; 35 sổ tiết kiệm được trao đi với tổng trị giá 175 triệu đồng; 5 suất học bổng Lập trình viên được tài trợ trị giá 345 triệu đồng; 16 giờ đào tạo qua 4 chuyên đề ; 1 năm đồng hành tư vấn 1-1 thông qua chuỗi hoạt động Mentoring trực tuyến.
Được biết, thời gian của dự án dự kiến triển khai trong hai năm, từ tháng 10/2022 - 10/2024 Trong khuôn khổ các hoạt động đào tạo và cung cấp kiến thức giai đoạn năm 2022, dự án sẽ thực hiện 4 workshop. Bao gồm các chủ đề sau: Tự học tiếng Anh, người khuyết tật thời đại 4.0, thấu hiểu bản thân và tôi tự do, tôi hòa nhập.
“Khi nhìn vào người khuyết tật, thì ta nhìn vào giá trị, năng lực của họ, thay vì nhìn vào khó khăn hay rào cản. Điều này ngăn chúng ta không “bi thương hoá” cũng không “anh hùng hoá” người khuyết tật, mỗi người đều có giá trị, khả năng nếu chúng ta tạo cơ hội phù hợp thì họ sẽ phát triển được khả năng đó” - Anh Nguyễn Văn Cử - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực Người khuyết tật (DRD) chia sẻ.
Dự Án “Tôi tự lực vì chính tôi" là nỗ lực hoạt động của nhóm ELM7, thuộc khuôn khổ chương trình lãnh đạo khai phóng IPL (Ngôi trường “Đông kinh nghĩa thục”) - là nơi tập hợp những người trẻ có khát vọng và mong muốn dấn thân vào các dự án cộng đồng, không ngừng nỗ lực phấn đấu vì một cuộc sống tốt đẹp hơn của người khuyết tật bằng cách lan toả tinh thần tự lực khai phóng thông qua phương pháp “dạy là giúp người khác tự học” một cách rộng rãi trong cộng đồng sinh viên khuyết tật nói riêng và cộng đồng người khuyết tật nói chung.
Nhóm ELM7 tin rằng “Khuyết tật là sự bất tiện, không phải sự bất hạnh” và “Không có hình ảnh nào đẹp hơn để lan toả tinh thần tự lực bằng chính câu chuyện tự lực của mỗi người khuyết tật”.