Hành trình 44 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc

Quốc tế Ngọc Ly
Kể từ khi lá quốc kỳ Việt Nam được kéo lên tại trụ sở Liên hợp quốc (20/9/1977) - tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh, mối quan hệ Việt Nam với LHQ ngày càng phát triển. Việt Nam đã luôn là thành viên tích cực, chủ động trong các hoạt động của tổ chức này.
Trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đến nay, Việt Nam đã cử gần 250 lượt sĩ quan quân đội làm nhiệm vụ tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và tại Trụ sở LHQ (Ảnh: TTXVN)
Trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đến nay, Việt Nam đã cử gần 250 lượt sĩ quan quân đội làm nhiệm vụ tại các Phái bộ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi và tại Trụ sở LHQ (Ảnh: TTXVN)

Sự hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc (LHQ) được cộng đồng quốc tế đánh giá là một ví dụ điển hình về hợp tác phát triển giữa các nước thành viên cũng như về vai trò của LHQ trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo.

Việt Nam chính thức gia nhập LHQ ngày 20/9/1977. Ngay sau khi tham gia LHQ, Việt Nam đã tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của các nước thành viên Liên hợp quốc để Đại hội đồng LHQ khóa 32 (1977) thông qua Nghị quyết 32/2 kêu gọi các nước, các tổ chức quốc tế viện trợ, giúp đỡ Việt Nam tái thiết sau chiến tranh. Mặt khác, Việt Nam cũng tranh thủ được sự giúp đỡ về nguồn vốn, chất xám, kỹ thuật của LHQ phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trong suốt 44 năm qua, LHQ đã luôn đồng hành cùng Việt Nam trên các chặng đường phát triển.

Về phần mình, kể từ khi gia nhập LHQ, Việt Nam đã tham gia ngày càng sâu, đảm nhận những cương vị quan trọng trong hệ thống LHQ và tích cực hoạt động trên cả ba trụ cột của LHQ.

Từ một nước tham dự, Việt Nam đã tham gia giải quyết công việc trong nhiều diễn đàn quan trọng như Hội đồng Bảo an, Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng kinh tế - xã hội (ECOSOC)... Sự tự cường và chủ động của Việt Nam cũng đã phần nào đóng góp vào sự lớn mạnh của LHQ.

Trong nhiệm kỳ 2008 - 2009, Việt Nam đã đảm nhiệm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an và Chủ tịch Hội đồng Bảo an vào tháng 7/2008 và tháng 10/2009. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào cơ quan quan trọng nhất của LHQ về hòa bình, an ninh quốc tế. Trên cương vị mới, Việt Nam đã tham gia tích cực vào các nỗ lực ngăn ngừa khủng hoảng, gìn giữ hoà bình, có những đề xuất quan trọng về bảo vệ phụ nữ và trẻ em, thúc đẩy quyền con người trong xung đột và xây dựng hoà bình, hậu xung đột, cải tổ phương pháp làm việc của HĐBA...

Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung (giữa trái) nhận lời chúc mừng của đại diện ngoại giao các nước sau khi kết quả bỏ phiếu cho thấy Việt Nam được bầu chọn là ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021, tại New York, Mỹ ngày 7/6/2019 (Ảnh: TTXVN)
Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung (giữa trái) nhận lời chúc mừng của đại diện ngoại giao các nước sau khi kết quả bỏ phiếu cho thấy Việt Nam được bầu chọn là ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021, tại New York, Mỹ ngày 7/6/2019 (Ảnh: TTXVN)

Đến năm 2019, Việt Nam lần thứ hai trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 với số phiếu 192/193.

Việc Việt Nam nhận được số phiếu ủng hộ gần như tuyệt đối cho thấy những đóng góp tích cực, thực chất, có trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên hợp quốc nói chung và Hội đồng Bảo an nói riêng trong nhiều năm qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Năm 2020, thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19. LHQ phải đóng cửa, chuyển sang hoạt động trực tuyến từ tháng 3. Tuy nhiên với vai trò Uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã cùng các nước đưa ra ý tưởng và giải pháp để giải quyết các công việc chung. Kết quả chống dịch của Việt Nam là kinh nghiệm được LHQ đánh giá cao.

Sự tham gia nhiều hơn của lãnh đạo Việt Nam và lãnh đạo Bộ Ngoại giao trong các cuộc họp trực tuyến đã khẳng định sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam, lãnh đạo Việt Nam với chủ nghĩa đa phương nói chung và vai trò quan trọng của LHQ và Hội đồng Bảo an nói riêng.

Trong tháng 4/2021, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đây là kỳ Chủ tịch thứ hai, đồng thời cũng là kỳ Chủ tịch cuối cùng của Việt Nam trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ 2020 - 2021.

Việc Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, trong đó có hai lần đảm nhiệm cương vị Chủ tịch sẽ góp phần cụ thể hóa chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Liên hợp quốc và với các đối tác lớn đi vào chiều sâu, hiệu quả hơn, tạo đà cho việc hội nhập quốc tế mạnh mẽ và toàn diện hơn trong thời gian tới. Đây cũng dịp đánh dấu bước trưởng thành của đội ngũ cán bộ ngoại giao cả về lượng và chất, sẵn sàng đảm nhận những trọng trách mới mà Đảng và Nhà nước giao phó, xứng với tầm vóc, thế và lực của đất nước sau 35 năm Đổi mới.

Trong tuần này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự các Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 76. Đây tiếp tục là dịp để Việt Nam gửi đi thông điệp mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về nước Việt Nam tự cường, có khát vọng và tầm nhìn phát triển, có đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và rộng mở, đã, đang và tiếp tục đóng góp tích cực, có trách nhiệm vào công việc chung của cộng đồng quốc tế.
Ngoại trưởng Mỹ ấn tượng với ẩm thực Việt

Ngoại trưởng Mỹ ấn tượng với ẩm thực Việt

“Bạn không thể thăm Việt Nam nếu không nếm thử các món ăn…” - đó là những gì ông Antony Blinken chia sẻ trong khuôn khổ chuyến công du Việt Nam đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ từ ngày 14 - 16/4.
F0, F1 các nước đi làm như thế nào?

F0, F1 các nước đi làm như thế nào?

Để sống chung với COVID-19, chấp nhận căn bệnh này là đặc hữu và không để dịch bệnh khiến các hoạt động xã hội đình trệ, nhiều quốc gia cho phép F0, F1 có thể làm việc trực tiếp hoặc online tại nhà.

Tin nổi bật khởi nghiệp trẻ

Bí kíp học tiếng Anh hiệu quả

Bí kíp học tiếng Anh hiệu quả
Việc học một ngôn ngữ mới như tiếng Anh có thể sẽ là điều khó khăn với nhiều bạn học sinh, sinh viên. Phổ biến nhất là việc chỉ vừa thi xong, toàn bộ kiến thức bị trôi tuột khỏi đầu các cô, cậu Gen Z, Alphas... quá nửa.

Bí kíp học tiếng Anh hiệu quả

Bí kíp học tiếng Anh hiệu quả
Việc học một ngôn ngữ mới như tiếng Anh có thể sẽ là điều khó khăn với nhiều bạn học sinh, sinh viên. Phổ biến nhất là việc chỉ vừa thi xong, toàn bộ kiến thức bị trôi tuột khỏi đầu các cô, cậu Gen Z, Alphas... quá nửa.