Tăng tốc sau đại dịch Covid-19
Theo thông tin từ Phòng Kinh tế, huyện Phúc Thọ, từ đầu năm đến nay, sản xuất nông nghiệp của huyện Phúc Thọ chịu tác động tiêu cực do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh tả lợn Châu Phi và dịch Covid-19.
Đặc biệt, trong lĩnh vực chăn nuôi, đàn lợn mặc dù tăng gần 10 nghìn con, đạt gần 54 nghìn con so với thời điểm sau khi dịch bệnh được kiểm soát nhưng vẫn giảm gần 44% so cùng kỳ năm 2019, đàn gia cầm gần 1,2 triệu con, giảm gần 4% so cùng kỳ.
Dự báo, từ nay đến cuối năm, sản xuất nông nghiệp cũng như tình hình kinh tế của huyện còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Để bảo đảm yêu cầu tăng trưởng ngành nông nghiệp, góp phần phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân, đặc biệt là hoàn thành mục tiêu về đích huyện nông thôn mới, hiện tại Phúc Thọ đã và đang chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất vụ mùa, định hướng phát triển vụ đông năm 2020.
Cụ thể, về lĩnh vực trồng trọt, huyện tập trung chăm sóc, tăng năng suất cây trồng, mở rộng diện tích các loại rau màu an toàn có giá trị kinh tế cao. Cùng với đó, huyện tiếp tục chuyển đổi các diện tích cây trồng kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, với diện tích hơn 630ha, tổng sản lượng ước đạt 6.280 tấn, tăng 28% so cùng kỳ.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, huyện tập trung phòng, chống dịch bệnh, thực hiện chính sách khuyến khích để đẩy nhanh tái đàn lợn, phát triển đàn trâu, bò và gia cầm. Huyện phấn đấu đàn trâu, bò đạt 8 nghìn con, tăng 21,5%; đàn lợn đạt khoảng 65 nghìn con, tăng 20% và đàn gia cầm đạt 1,6 triệu con, tăng 35%.
Đặc biệt, huyện đã xây dựng kịch bản tăng trưởng cụ thể của từng quý, gắn với các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện để đạt mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp cả năm đạt từ 3,4% trở lên, trong đó chăn nuôi tăng 6,5%, thủy sản tăng 3,4%.
Theo đại diện Ban Chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới huyện Phúc Thọ, toàn huyện có 6,5 nghìn héc-ta đất nông nghiệp và có 3 sông lớn chảy qua (sông Hồng, sông Đáy và sông Tích). Huyện được quy hoạch là huyện nông nghiệp vành đai xanh của Thủ đô. Đây cũng chính là lợi thế để phát triển nông nghiệp.
Thời gian qua, Phúc Thọ luôn nhận được sự quan tâm của thành phố và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, dồng thời huyện cũng đã xây dựng một số cơ chế chính sách và bố trí kinh phí hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp, góp phần tạo điều kiện cho nông dân đầu tư thâm canh phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi.
Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trong phát triển sản xuất, dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; Đầu tư các dự án phát triển sản xuất, cải tạo hạ tầng giao thông, thủy lợi, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung có hiệu quả kinh tế cao như: Rau an toàn, hoa, sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, chăn nuôi cá thương phẩm, bò thịt BBB, thịt lợn sạch an toàn, chăn nuôi tập trung theo quy trình công nghiệp, an toàn sinh học.
Đẩy mạnh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp
Xác định rõ vai trò quan trọng của sản xuất nông nghiệp trong việc phát triển kinh tế địa phương, những năm qua, huyện Phúc Thọ đã tích cực mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, như Công ty Cổ phần Ba Huân, Công ty Cổ phần Sản xuất và Xuất nhập khẩu Việt Phúc, An Việt, Biggreen, 5Kfoods… Từ đó đã tạo kết nối giữa người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn và có nguồn gốc xuất xứ.
Đến nay, Phúc Thọ đã hình thành 8 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, được tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc và đăng ký nhãn hiệu như: Bưởi Phúc Thọ, chuối Vân Nam, rau an toàn Thanh Đa, rau an toàn Xuân Phú, cà dầm tương, tương nếp Tam Hiệp… góp phần nâng cao giá trị nông sản, thu nhập cho nông dân.
Cũng nhờ chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản đó, diện mạo nông thôn của Phúc Thọ đã thay đổi rõ rệt, đội ngũ cán bộ được nâng cao cả về trình độ lý luận và thực tiễn, tạo được lòng tin của nhân dân. Cộng đồng dân cư gắn kết chặt chẽ, tình làng, nghĩa xóm thắt chặt. Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện, nâng cao.
Điều đó thể hiện qua tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp của huyện luôn tăng bình quân gần 5%/năm. Cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt 45,3 triệu đồng/người, phấn đấu năm 2020 đạt 50 triệu đồng/người. An ninh trật tự bảo đảm, tình hình chính trị trên địa bàn huyện ổn định. Cuối năm 2019, toàn bộ 20 xã đã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới.
Về tiêu chí huyện nông thôn mới, Phúc Thọ đạt 7 tiêu chí, còn hai tiêu chí cơ bản đạt là giao thông và môi trường. Huyện đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội công nhận đủ điều kiện đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
Nói về công tác xây dựng huyện Nông thôn mới, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết: Mặc dù đã hoàn thiện hồ sơ công nhận huyện Nông thôn mới nhưng Phúc Thọ vẫn tập trung duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí tại 20 xã, xây dựng lộ trình để các xã xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu. Cùng với đó, huyện cũng đang triển khai các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, cải thiện chất lượng môi trường đúng tiến độ, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, đưa Phúc Thọ trở thành huyện nông nghiệp xanh trù phú.
“Trước mắt, từ nay đến cuối năm, Phúc Thọ sẽ bám sát các kịch bản phát triển kinh tế, gắn với các giải pháp đã đề ra. Trong đó tập trung đơn giản thủ tục hành chính cấp huyện, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nhanh chóng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, huyện cũng thúc đẩy liên kết, hợp tác chăn nuôi theo chuỗi giá trị; Thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, tránh để dịch tả lợn Châu Phi bùng phát trở lại, gắn với bảo vệ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững.
Khuyến khích, hướng dẫn các doanh nghiệp, Hợp tác xã đăng ký, tổ chức phân hạng, đánh giá công nhận sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) nhằm tạo thuận lợi cho việc đưa hàng hóa vào tiêu thụ tại các siêu thị, chuỗi cửa hàng cung ứng sản phẩm nông sản an toàn, góp phần nâng cao giá trị kinh tế, thu nhập cho nông dân”, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn nhấn mạnh.
Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương