Trong khi nhiều địa phương phấn đấu để thực hiện bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội, thì ở nhiều địa phương lại áp dụng phương án chỉ định Bí thư tại Đại hội, thậm chí có địa phương chỉ định nhân sự sau khi Đại hội đã hoàn tất.
Có thể thấy hiện tượng đó có gì không bình thường, còn dư luận không khỏi băn khoăn khi 2 nhiệm vụ quan trọng tại Đại hội Đảng là văn kiện và bầu nhân sự.
Nữ Bí thư huyện ủy Càng Long được chỉ định tại Đại hội (Ảnh: PV/VOV-ĐBSCL) |
Vậy tại sao ở một số Đại hội lại phải chỉ định nhân sự trong khi việc thực hiện thí điểm bầu trực tiếp Bí thư tại Đại hội bước đầu được dư luận đánh giá tích cực, đảng viên đón nhận như một “luồng gió mới”?
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Nguyễn Ngọc Lâm, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, trước sự việc đó, dư luận có thể có nhiều luồng ý kiến là chuyện bình thường. Tuy nhiên, theo quy tắc của Đảng thì việc điều động, chỉ định nhân sự trước Đại hội hay tại Đại hội không có gì bất thường.
Quy định của Đảng cho phép cấp có thẩm quyền về quản lý cán bộ được chỉ định, điều động nhân sự khi Đại hội chưa chuẩn bị kịp nhân sự hay nhân sự tại chỗ chưa hội đủ các yếu tố, điều kiện cần thiết. Thậm chí, do yêu cầu của công tác cán bộ mà cần có sự luân chuyển cán bộ. Đảng viên ở những nơi chỉ định Bí thư có thể không “ưng” nhân sự được điều động đến cũng là chuyện bình thường, bởi đảng viên cũng không thể biết được rõ, biết được hết cán bộ.
Vấn đề quan trọng ở đây là cấp có thẩm quyền về công tác cán bộ phải thật sự công tâm, khách quan, thực hiện đúng, đủ thẩm quyền, chức trách của mình. Và cấp có thẩm quyền đó phải chịu trách nhiệm về quyết định điều động, chỉ định nhân sự của mình.
Khác với quan điểm của ông Nguyễn Ngọc Lâm, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, việc chỉ định nhân sự tại Đại hội là không bình thường, mà nhân sự cần được đưa ra để Đại hội bầu. Làm như vậy là vi phạm quy tắc tập trung dân chủ. Phải chăng họ sợ đưa ra Đại hội sẽ “rớt” nên mới dùng phương án chỉ định.
Cùng quan điểm này, ông Lê Như Tiến, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, cũng cho rằng, đã là Đại hội thì phải có bầu, đây là nguyên tắc của Đảng. Ông Tiến ủng hộ việc bầu Bí thư tại Đại hội, chứ không chỉ bầu ra Thường vụ rồi Thường vụ bầu ra Bí thư. Nếu sau Đại hội không bầu mà chỉ định thì cũng phải xem cấp nào chỉ định. Có nơi Bộ Chính trị cử về giữa 2 kỳ Đại hội thì không sao, nhưng Bộ Chính trị, Ban Bí thư cử về để tham gia vào Đại hội thì vẫn phải bầu. Đó mới đúng nguyên tắc tập trung dân chủ. Nếu Đại hội tổ chức xong rồi mà khuyết chân Bí thư vì một lý do nào đó thì Bộ Chính trị có thể cử về.
“Cấp trên có thẩm quyền có thể chỉ định về trong tình huống tạm thời, chứ còn chỉ định ngay tại Đại hội thì tôi chưa từng nghe nói đến”, ông Tiến nhấn mạnh.
Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh đã lên tiếng lý giải cho việc địa phương này chỉ định nhân sự giữ chức Bí thư Huyện uỷ Càng Long nhiệm kỳ 2020-2025 ngay tại đại hội. Theo ông Ngô Chí Cường, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Trà Vinh, do huyện Càng Long không có nguồn cán bộ tại chỗ nên phải điều đúng thời điểm để chuyển tiếp người cũ, người mới. Nhiệm kỳ trước, tỉnh cũng từng điều động như vậy. Ông Cường cũng khẳng định, việc điều động, chỉ định là đúng quy định. Việc công bố quyết định tại đại hội cũng đúng nguyên tắc./.