Ở thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Cảnh Vinh, vẫn giữ chức Quyền Tổng giám đốc của Eximbank.
Vào tháng 4/2018, ông Vinh được bổ nhiệm về làm Phó tổng giám đốc thường trực Eximbank. Tháng 5/2019, ông Vinh được bổ nhiệm quyền Tổng giám đốc Eximbank.
HĐQT Eximbank cũng đã từng có Nghị quyết bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Vinh làm Tổng giám đốc. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã không phê chuẩn do Nghị quyết bầu và hồ sơ trình lên không hợp lệ.

Đại hội cổ đông liên tục bị trì hoãn.
Sau đó, Eximbank tiếp tục bổ sung hồ sơ để hoàn tất các thủ tục cho ông Nguyễn Cảnh Vinh lên làm Tổng giám đốc nhưng NHNN chưa có câu trả lời về kết quả.
Trước khi ông Vinh giữ chức quyền Tổng giám đốc Eximbank thì ông Lê Văn Quyết là Tổng giám đốc của Eximbank. Đến tháng 4/2019, ông Quyết hết hạn hợp đồng lao động.
Vào thời điểm đó, ông Lê Minh Quốc – vị Chủ tịch HĐQT gây nhiều tranh cãi tại Eximbank đã triệu tập cuộc họp HĐQT để bầu Chủ tịch HĐQT và gia hạn hợp đồng với Tổng giám đốc Lê Văn Quyết. Tuy nhiên, cuộc họp đã không diễn ra do không đủ thành viên tham dự. Việc này dẫn tới hợp đồng với ông Quyết tự động hết hạn.
Như vậy, kể từ tháng 4/2019 cho đến nay, Ngân hàng Eximbank đã không có Tổng giám đốc.
Không chỉ vậy, đại hội cổ đông của ngân hàng này cũng nhiều lần bị trì hoãn. Năm 2019, Eximbank liên tục phải hoãn, dời đại hội do không có tiếng nói chung giữa các nhóm cổ đông. Theo kế hoạch ban đầu, đại hội cổ đông dự kiến tổ chức cuối tháng 4/2019 nhưng bất thành.
Tháng 6/2019, Eximbank tổ chức đại hội cổ đông lần 2 nhưng lại nổ ra tranh chấp gay gắt quanh ghế chủ tọa dẫn đến chỉ khoảng 40% cổ đông bỏ phiếu đồng ý thông qua quy chế tiến hành đại hội. Eximbank buộc tuyên bố phải hoãn đại hội cổ đông một lần nữa. Đỉnh cao của phiên đại hội này là ông Đặng Anh Mai, Phó chủ tịch đứng lên đọc diễn văn chuẩn bị trước yêu cầu thay chủ tọa đoàn.
Các cổ đông Eximbank, bao gồm cả những người đã đầu tư vào ngân hàng từ những ngày đầu, nếu có bức xúc cũng là điều dễ hiểu khi phải chứng kiến ngân hàng mình tâm huyết đầu tư, nơi mình giao đồng tiền cho người khác kinh doanh đang bỏ lỡ cơ hội hiếm có để bứt phá. "Tôi quá mệt mỏi khi hết lần này đến lần khác không được dự đại hội trọn vẹn. Cứ tình hình này nếu lần sau triệu tập đại hội tôi sẽ không tới nữa vì chỉ mất thời gian vô nghĩa", một cổ đông đã chia sẻ như vậy sau khi đại hội bất thành chiều 30/6 vừa qua.
Một cổ đông khác thì chia sẻ mong rằng các cổ đông hãy dẹp lợi ích riêng sang một bên để bắt tay nhau cùng xây dựng ngân hàng vì lợi ích chung.
Cũng có những cổ đông thắc mắc rằng, tại sao tình hình của Eximbank rối như vậy mà cơ quan quản lý, cụ thể là Ngân hàng Nhà nước, suốt 5 năm qua không "ra tay", không can thiệp để các cổ đông có thể cùng ngồi lại, cùng bắt tay xây dựng ngân hàng vì sự ổn định, thịnh vượng của hệ thống ngân hàng Việt?
Và họ mong rằng, dù là ngân hàng cổ phần, là ngân hàng có vốn góp của tư nhân, nhưng bây giờ không ai chịu nhường ai, thì Ngân hàng Nhà nước với vai trò cơ quan chủ quản hãy có các giải pháp can thiệp hợp lý. Sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước kịp thời còn hướng tới mục tiêu chung là an toàn, lành mạnh, minh bạch hệ thống, đồng thời gia tăng hình ảnh của ngân hàng Việt trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.