![]() |
Buổi livestream talkshow lần thứ 3 với nội dung "Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, cơ hội và vai trò của thanh niên khởi nghiệp" |
Buổi talkshow lần thứ 3 vào ngày 20/11 được livestream trên các kênh Mạng xã hội của Trung ương Đoàn, TW Hội Liên hiệp thanh niên, Thành đoàn Hà Nội... với chủ đề “Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, cơ hội và vai trò của thanh niên khởi nghiệp” với sự góp mặt của 4 khách mời là 4 nhà sáng lập ra những doanh nghiệp công nghệ nổi tiếng trong các lĩnh vực như lĩnh vực vận tải, logistic, tài chính và y tế.
Khách mời chương trình: - Ông Trần Nam Long (CEO & nhà sáng lập Abivin, công ty công nghệ về logistic phát triển nền tảng phần mềm, giúp các doanh nghiệp quản lý và tối ưu logistic, vận chuyển hàng hóa, kho bãi, vận tải. - Ông Phan Bá Mạnh (CEO & nhà sáng lập An Vui, đơn vị Công nghệ đầu tiên tại Việt Nam xây dựng hệ thống phần mềm tổng thể cho ngành vận tải hành khách) - Bà Tạ Vân Anh (CEO & nhà sáng lập ISOFH, hệ thống phần mềm quản lý tổng thể bệnh viên) - Ông Nguyễn Hữu Tuất (CEO & nhà sáng lập của MPOS/FASTGO) |
Trong buổi giao lưu trực tuyến, các vị khách mời nhận đã lần lượt chia sẻ những kinh nghiệm cũng như những quan điểm về chuyển đổi số; bàn về những thiếu sót trong quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam; đồng thời cũng đặt ra cho Chính phủ, những nhà chính sách những câu hỏi đầy trăn trở về vấn đề này.
Bước vào talkshow trực tuyến, các vị diễn giả đã có một buổi chia sẻ rất thẳng thắn.
Trong quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp gặp phải khó khăn gì, có gì ảnh hưởng đến cách vận hành? |
Đứng trước câu hỏi này, ông Tuất người sáng lập công ty công nghệ Fastgo đã mạnh mẽ đề cập về cuộc chiến về taxi công nghệ và taxi truyền thống trong những năm gần đây. Trong thời gian vừa rồi, Chính phủ cũng ban hành những Nghị định mới liên quan đến hoạt động của taxi công nghệ, taxi hợp động. Với bất kỳ lĩnh vực nào mới cũng đều có thách thức với hệ thống các quy định pháp luật hiện tại, khi mà chúng ta chưa kịp thay đổi đối với sự phát triển của thực tế.
Theo ông, sự ra đời của công nghệ giúp ích cho người dùng. Bây giờ con người không cần ra đường bắt xe mà có thể ngồi tại nhà và gọi xe đến đón, đưa đến tận nơi, đi đến đâu đều có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, thách thức thay đổi ngành truyền thống và thay đổi hạ tầng quản lý của giao thông, khiến cho hãng taxi truyền thống chưa kịp chuyển đổi, thì đã mất đi luôn thị phần. Khiến nhiều doanh nghiệp taxi có nguy cơ đóng cửa. Điều này đưa ra những thách thức lớn cho xã hội là nếu không kịp chuyển đổi thì sẽ không bảo vệ được thị trường của mình.
Ông Tuất chia sẻ thêm, tuy nhiên, điều này cũng mở ra cơ hội mới cho những mô hình kinh doanh mới: có những công ty gọi xe, công ty công nghệ đã chuyển đổi tạo ra một nền tảng mang lại lợi ích cho người dùng mà tất cả hãng taxi và tất cả lái xe đều có thể sử dụng và kiếm được nhiều thu nhập trên đấy, tạo ra hàng triệu việc làm trong xã hội.
Cũng có ý tương tự như ông Tuất, ông Mạnh cho rằng thách thức tạo ra là do nền tảng hạ tầng, pháp lý không theo kịp, giống như "một cơ thể lớn quá nhanh so với cái áo". Trong những năm vừa qua, Nghị định 86 của Chính phủ về Giao thông vận tải được thay thế bằng Nghị định 10 mà trình đến 13 lần mới được thông qua. Điều điều này cho thấy rằng đây là một vấn đề rất nóng, là cuộc tranh luận không có hồi kết.
Chia sẻ sâu hơn, ông Mạnh cho rằng, việc tranh luận không hồi kết này là do hành lang pháp lý không rõ ràng. Sau Nghị định 10 là Thông tư 12, Nghị định 100, Thông tư 58, hành lang pháp lý của ngành vận tải đã bắt đầu theo kịp xu thế phát triển. Tuy nhiên, dù các thông tư hay nghị định đều là những vấn đề nằm dưới Luật. Cho nên theo ông, nếu Luật mới được thông qua thì hành lang pháp lý không còn là vấn đề gây tranh cãi nữa.
![]() |
Ông Phan Bá Mạnh (CEO & nhà sáng lập An Vui). (Ảnh: Sưu tầm) |
Về phía CEO Nam Long, đứng trước câu hỏi này, ông băn khoăn làm sao có thể đưa phần mềm của mình đến nhiều những doanh nghiệp hơn ở Việt Nam, thậm chí là doanh nghiệp lớn. Hiện nay có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng những phần mềm công nghệ thông tin của nước ngoài, thậm chí phải bỏ ra 1-2 triệu đô, mà hiệu quả chưa cao. Trong khi ở Việt Nam có những sản phẩm có chất lượng tương đương mà chưa được khuyến khích nhiều.
![]() |
Ông Trần Nam Long (CEO & nhà sáng lập Abivin). (Ảnh: sưu tầm) |
Còn đối với bà Vân Anh, bà cho rằng, khó khăn chung mà những đơn vị khởi nghiệp trong ngành med-tech (công nghệ y tế) vẫn còn e dè đó là giá của dịch vụ y tế ngày nay chưa được cấu thành giá công nghệ thông tin. Tức là công nghệ thông tin chưa được đánh giá là một phần để đóng góp vào giá trị thặng dư của dịch vụ ý tế.
Bà cho rằng, dịch vụ công nghệ thông tin ngày nay đang cung cấp cho các bệnh viện nhờ vào "tình thương của ông giám đốc bệnh viện". Tức là giám đốc nào muốn quản lý liền mạch về số liệu, quản lý trên số liệu, người ấy sẽ đầu tư cho công nghệ thông tin. Và người ta chỉ thấy rằng cùng cái giá đầu tư cho công nghệ thông tin đấy, nếu đầu tư vào trang thiết bị để điều trị, nó sẽ ra tiền, còn công nghệ thông tin thì khó ra tiền. Đây là vấn đề làm nhiều người trong lĩnh vực công nghệ y tế đau đầu. Bà Vân Anh khẳng định thêm việc tiếp cận dịch vụ công nghệ thông tin trong y tế ở Việt Nam đang rất xa lạ.
![]() |
Bà Tạ Vân Anh (CEO & nhà sáng lập ISOFH). (Ảnh: Sưu tầm) |
Vì vậy, CEO Tạ Vân Anh và ISOFH vẫn đang cố gắng để góp lên một tiếng nói, vì nếu không định giá được giá trị của công nghệ thông tin trong y tế thì công cuộc chuyển đổi số có thể sẽ thiếu thu hút về nguồn lực cho đến sự bền vững của nó.
Về lĩnh vực tài chính, chuyên gia Nguyễn Hữu Tuất thấy rằng trong thời gian Covid vừa qua, tốc độ chuyển đổi từ thanh toán tiền mặt sang thanh toán điện tử bằng 10 năm cộng lại. Tuy nhiên, điều này chỉ ứng dụng trong mảng tư nhân, bán lẻ. Còn mảng lớn thì gặp nhiều rào cản như các dịch vụ công, các dịch vụ trong y tế, cũng như các dịch vụ trong giáo dục. Tuy nhiên, ông Tuất dự đoán rằng trong tương lai sẽ không còn các chi nhánh ngân hàng nữa, mọi thứ sẽ được làm hầu hết trên điện thoại, thẻ sẽ thanh toán mọi dịch vụ, và cây ATM sẽ giảm dần đi.
Cũng trong lĩnh vực tài chính, ông Tuất có đề cập đến tiền điện tử. Theo ông Tiền điện tử là một vấn đề vô cùng "hot" trong 5 năm trở lại đây khi chúng ta nghe nhiều đến bitcoin, tiền mã hóa, tiền điện tử. Đây là một vấn đề lớn ở cả ngân hàng việt nam và trên thế giới về việc xem tiền điện tử là một tài sản điện tử hay là phương tiện lưu thông. Hiện tại, theo quy quy định ở Việt Nam hay nhiều nước thì tiền điện tử chỉ được coi như một tài sản số.
Tuy nhiên công nghệ tạo ra đồng tiền điện tử (blokchain) đã được các ngân hàng ứng dụng rất nhiều trong việc triển khai các dịch vụ về tài chính. Ví dụ chuyển tiền qua hệ thống đa quốc gia cũng được thực hiện trên nền tảng blockchain, hay một số quốc gia như Trung Quốc cũng đang bắt đầu thử nghiệm đồng tiền điện tử. Là tiền thật nhưng thông qua môi trường điện tử, công cụ lưu trữ công cụ chuyển đổi, tất cả đều được thực hiện trên nền tảng điện tử. Và anh dự đoán, xu hướng ấy chắc chắn sẽ tác động đến Việt Nam. Và đây là một cơ hội rất tốt cho các quốc gia để tận dụng được công nghệ và thu hút sự đầu tư của các dòng tiền trên thế giới.
Ông Tuất cho biết thêm, nếu Việt Nam có thể nghiên cứu, ứng dụng để đưa công nghệ này vào để tạo ra được những môt hình kinh doanh mới, thu hút được các nguồn vốn đầu tư của nước ngoài, thu hút được các doanh nghiệp nước ngoài về Việt Nam để lập nghiệp thì có thể tạo ra được đột phá trong tương lai.
Nếu có câu hỏi đặt ra với các Bộ, Ban, Ngành thì ông bà sẽ hỏi điều gì? |
Hành lang pháp lý ở nước ta nếu không cẩn thận sẽ trói doanh nghiệp Việt và tạo ra những cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài chiêm lĩnh thị trường Việt Nam nhanh hơn. Ví dụ P2P lengding (cho vay ngang hàng). Thậm chí, hiện nay có những ứng dụng hầu hết của nước ngoài nhảy vào thị trường Việt, trong khi đó ở nước ta vẫn còn khó khăn trong việc cấp phép "cho hay không cho".
Doanh nghiệp nội bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố, đối với một doanh nghiệp vận tải, đầu tiên phải xin giấy phép kinh doanh của sở kế hoạch đầu tư; thứ 2 là giấy phép vận tải do sở Giao thông vận tải cấp; thứ 3 là về mặt lái xe, chứng chỉ hành nghề, rồi sắp tới còn có cả chứng chỉ tiếp viên. Còn doanh nghiệp ngoại vào thì họ có những cách để lách luật.
CEO Phan Bá Mạnh kiến nghị những cơ quan chức năng khi ban hành chính sách phải nhìn vào bài toán hiện tại của thị trường, nhận diện cho đúng, để tạo ra một sân chơi công bằng cho doanh nghiệp nội địa, không trói các doanh nghiệp nội.
Về phía CEO Trần Nam Long, ông cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp nhà nước đang đầu tư rất nhiều tiền vào hệ thống phần mềm nước ngoài, chiếm 60-70%. Còn khoảng 20% rơi vào những doanh nghiệp Việt mang tính chất gia công, ít sự sáng tạo bên trong. Anh mong muốn, qua diễn đàn này, đề nghị chính phủ xem xét cách đầu tư công nghệ thông tin cho những doanh nghiệp Việt hoặc có thể quảng bá hơn những sản phẩm công nghệ thông tin ở Việt Nam.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Tuất mạnh dạn đưa ra 3 đề xuất. Thứ nhất đưa ra môi trường thử nghiệm, môi trường sandbox để bất kỳ các ý tưởng sáng tạo, đổi mới nào cũng có thể triển khai mà không lo lắng trong việc mình có vi phạm pháp luật hay bị xử lý phức tạp hay không?
Thứ 2, quốc gia ta là quốc gia số, vì vậy, nên đưa giáo dục chuyển đổi số vào các trường đại học, cấp 3 hay dạy nghề,... giống như bình dân học vụ để nhà nhà, người người ai cũng hiểu chuyển đổi số là gì. Từ đó, chúng ta sẽ có những lớp lao động có thể sử dụng được sức mạnh của chuyển đổi số.
Thứ 3, Chính phủ nên đưa ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, giảm thuế, giảm chi phí để các doanh nghiệp có thể mạnh dạn trích ngân sách đầu tư cho công nghệ thông tin để chuyển đổi số.
Nếu làm được những điều này thì ông Tuất dự đoán, trong 5 năm tới, GDP của Việt Nam dựa trên ngành kinh tế số có thể chiếm một tỉ trọng lớn, từ 30-50%, và chắc chắn sẽ sinh ra rất nhiều những doanh nghiệp công nghệ thông tin có ảnh hướng tới xã hội, không chỉ ở việt nam mà còn có thể cạnh tranh trên sân nhà và ra thế giới.
Với bà Vân Anh, bà kiến nghị định vị về chuyển đổi số và công nghệ thông tin trong y tế phải rõ ràng hơn. Vì các nguồn lực trong công nghệ thông tin của y tế chưa được định vị rõ ràng. Ở nước ta, y tế tư nhân chiếm gần 15%, trong khi đó, 85% phụ thuộc vào y tế công. Mà y tế công lại có liên quan mật thiết đến sự phát triển của chính sách. Bà mong muốn đưa công nghệ thông tin vào một trong những trọng điểm và được định vị rõ ràng hơn trong ngành y tế.