Làm gì để giữ “hồn” phố cổ Hội An

Văn hóa Sự kiện Dân Hùng
Một phố cổ Hội An với những con người thuần hậu, không gian đô thị cổ trong lành, yên tĩnh. Những giá trị văn hóa, tín ngưỡng tại đô thị cổ này đã làm nên “thương hiệu” du lịch Hội An mang tầm quốc tế, song để lưu giữ được những giá trị này là một bài toán khó.

Báo chí thời gian gần đây đưa tin ở Hội An, người ta đang rao bán những ngôi nhà trong phố cổ. Nhiều ý kiến cho rằng, nguy cơ Hội An mất dần cái “hồn” của phố cổ đang từng ngày hiện hữu khi mà những chủ nhân đích thực mà chúng ta hay gọi là “người bản địa” ngày càng ít đi.

Nhà cổ, phố cổ mất đi cái hồn?

Những năm gần đây, “cơn lốc” du lịch đang biến phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam vốn yên ả, thanh bình với những con phố rêu phong dần trở thành một địa điểm khá chật chội, xô bồ.

Làm gì để giữ “hồn” phố cổ Hội An
Nhiều ngôi nhà xưa cổ tại Hội An nhiều chức năng thờ cúng, sinh hoạt... giờ được dẹp bỏ để dành cho kinh doanh

Cách đây nhiều năm, tác giả đã có suy nghĩ về câu chuyện này khi mà xuất hiện càng nhiều những chủ nhân mới của những căn nhà cổ không phải là người Hội An gốc nữa. Cùng với “làn sóng” người từ hai đầu đất nước đến Hội An ngày càng nhiều để thuê hoặc mua nhà với mục đích cư trú và kinh doanh hàng lưu niệm, dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch.

Do đó, chủ nhân của nhiều ngôi nhà trong phố cổ là người Hội An gốc đã ra vùng ven để sinh sống, lớp trẻ thì ra Đà Nẵng hoặc vào TP Hồ Chí Minh học tập rồi lập nghiệp, đa số không có ý định hồi cố hương.

Có những gia đình sở hữu mấy cái nhà cổ bề thế, có thể xem là những “tiểu bảo tàng” có bề dày lịch sử, đến nay người thì đã mất, người thì đi nước ngoài định cư, có người thì do tuổi già sức yếu, theo con cháu ra Đà Nẵng hoặc vào các tỉnh, thành phố miền Nam vì nếu họ ở lại cũng một mình, không ai chăm sóc lúc ốm đau...

Thực trạng hiện nay, trong khi những người biết “sử Hội An” cứ ngày một ít đi, những chủ nhân mới là thế hệ con cháu cũng không nhiều, người vùng miền khác khác lại tăng lên. Có người đã nói vui là, không khéo rồi đây, ra đường sẽ nghe giọng người vùng khác nhiều hơn “giọng Hội An” cũng không có gì lạ.

Làm gì để giữ “hồn” phố cổ Hội An

Sự phát triển của du lịch đã đem đến những đổi thay cơ sở hạ tầng, thu nhập và đời sống người dân song cũng tạo sức ép lớn cho công tác quản lý, bảo vệ di sản nói chung

Cùng với thực trạng biến động về yếu tố con người nêu trên là tình trạng trong phố cổ, các sạp kinh doanh mọc lên, mật độ ngày càng dày đặc. Về vấn đề này, có ý kiến cho rằng, đó là quy luật, không sớm thì muộn thì cũng xảy ra, nó cũng như mọi chuyện trong tự nhiên, xã hội đều vận hành theo quy luật, “có sinh có diệt”, không có gì là vĩnh cửu nên Hội An không còn như Hội An ngày xưa cũng là chuyện bình thường.

Rồi đây, bên cạnh các cụm từ như “Hà Nội xưa”, “Huế xưa”, “Sài Gòn xưa” trong tiếng Việt sẽ có thêm “Hội An xưa”. Và cũng đồng nghĩa với việc Hội An của hiện tại đã khác xa Hội An êm đềm thập kỷ 70, 80 của thế kỷ trước.

Theo Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An), nỗi lo hiện nay của Hội An không chỉ là các di tích nhà cổ xuống cấp mà còn là sự thay đổi các giá trị văn hóa phi vật thể. Hiện có khoảng 200/1.069 nhà cổ đã được dân nơi khác đến thuê kinh doanh. Ngôi nhà xưa với nhiều chức năng thờ cúng, sinh hoạt… giờ được dẹp bỏ để dành cho kinh doanh.

Những ngôi nhà này đã trở nên “rỗng ruột”, còn cái vỏ vật chất, mất cái hồn bên trong. Phố cổ mất đi cái hồn sẽ không còn là di sản. Bên cạnh đó, việc thay đổi chủ sở hữu trong phố cổ dẫn đến một số giá trị văn hóa không phải của Hội An du nhập gây tác động đến nếp sống, lối sống làm mất dần “chất” Hội An, chỉ còn là những nhà kho, cửa hàng buôn bán.

Liên hệ ra một số địa phương có bề dày truyền thống lịch sử, văn hoá như Hội An, tình trạng nhập cư, dịch chuyển dân cư theo kiểu “đất lành chim đậu” cũng xảy ra không phải là cá biệt. Có người cho dẫn chứng: “thành phố của tôi giờ đi quanh một vòng thấy toàn người miền khác đến sinh sống, rồi giật mình không biết dân xứ mình đi đâu hết rồi?”.

Một số ý kiến khác cho rằng câu chuyện nêu trên cũng bình thường thôi, bảo tồn phố cổ thì phải tu sửa, phải khuyến khích tạo động lực cho người dân ở đó kiếm tiền sinh sống, khi khó khăn quá họ tự tìm kế sinh nhai, nơi nào mà miễn phí thì nơi đó họ tìm đến nhiều hơn, nơi nào bán vé thì dần dần họ xa lánh bớt đi, muốn bảo tồn lâu dài phải có chính sách hỗ trợ dân ở đó trùng tu, sửa chữa... Bên cạnh đó, phải khuyến khích lôi kéo khách thập phương, phải mở cửa miễn phí chứ “đóng cửa bảo nhau thì ai đến”.

Cần có giải pháp căn cơ, lâu dài

Sức hấp dẫn của một địa danh lịch sử còn là những con người ở đó. Biết rằng, theo quy luật của tạo hoá, người cũ dần mất đi nhưng phải có tính kế thừa của thế hệ sau. Họ phải là những chủ nhân đích thực, có lòng yêu và tự hào về quê cha đất tổ.

Từ khi đặt ra bộ quy tắc ứng xử, hoạt động du lịch trên địa bàn TP Hội An dần đi vào nề nếp. Tuy nhiên, thực tế đáng lo là phần hồn của đô thị cổ là di sản văn hóa thế giới này đang dần bị phai nhạt theo thời gian. Những tập tục, những nét văn hóa tốt đẹp tạo nên một Hội An độc đáo mai một khi nào không hay.

Làm gì để giữ “hồn” phố cổ Hội An

Chính quyền TP Hội An đã và đang xây dựng nhiều biện pháp để Hội An không đi quá xa cái hồn cốt nhân tình thuần hậu

Chính những người quản lý ở địa phương thừa nhận đã đến lúc cần có biện pháp để Hội An không đi quá xa cái hồn cốt "nhân tình thuần hậu" mang màu sắc riêng biệt vốn có của nó. Vì thế, cùng với hàng loạt giải pháp được triển khai, đề án xây dựng "Hội An - Nhân tình thuần hậu" ra đời.

Phải chăng hàng năm tổ chức các cuộc thi về lịch sử văn hóa phố cổ Hội An để giúp nâng cao giá trị lịch sử văn hóa, nâng cao" ý thức con người Hội An ", có thi thì mới tìm được những người thắng giải và phong cho họ là “Đại sứ phố cổ”, qua đó động viên, tạo động lực cho người khác noi gương.

Cái hồn cốt của bất cứ địa danh nào, nhất là những địa danh truyền thống được UNESCO xếp hạng di sản văn hoá thế giới như Hội An, ngoài yếu tố về tính cổ xưa trong các công trình kiến trúc, các di tích được xếp hạng thì không thể bỏ qua yếu tố nội sinh là con người của địa danh đó, đó là nhân tố tạo nên bản sắc văn hoá. Bảo tồn văn hoá là bảo tồn những hoạt động văn hoá, cuộc sống vốn có của phố cổ.

Kiểm soát khách đến với phố cổ, tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới đẩy mạnh du lịch vùng ven trung tâm phố cổ như Cù Lao Chàm, Trà Quế, Kim Bồng, Làng gốm Thanh Hà… để “dàn trải” khách, giảm áp lực cho phố cổ.

Làm gì để giữ “hồn” phố cổ Hội An
Du khách trải nghiệm trong không gian phố cổ Hội An

Không biết tác giả có bi quan quá về thực trạng này không, khi mà nghĩ đến một ngày nào đó, Hội An của mình sẽ phai nhạt “hồn cốt” vốn có. Những người của những ngày tháng xưa cũ thưa dần theo quy luật tự nhiên, trong khi thế hệ con cháu cũng không còn mặn mà với quê cha đất tổ.

Chợt nhớ đến câu chuyện một người bạn kể với tác giả về một đô thị cổ ở Tây Ban Nha, họ có cách làm bảo tồn khá hay, thể hiện qua việc quan tâm những chủ nhân cao niên của những ngôi nhà cổ rất chu đáo và bài bản, còn thế hệ con cháu theo cha mẹ ra định cư ở khu vực ngoại vi nhưng thường xuyên được về với ông bà trong những dịp nghỉ cuối tuần hay lễ tết, nghỉ hè.

Cách làm đó là để thế hệ sau được thường xuyên tiếp cận với thế hệ ông bà, qua đó được tiếp thu, truyền dạy về lịch sử, truyền thống quê hương. Là sự kế thừa, kế tục để các thế hệ biết tự hào về quê hương và quảng bá cho du khách gần xa những câu chuyện lịch sử đã lưu danh sổ sách, nay tiếp tục được gìn giữ, bảo tồn thông qua những chủ nhân đích thực.

Đến đây, tôi chợt nhớ đến bài hát “Đêm hội phố Hoài” của nhạc sỹ Nguyễn Duy Khoái và Công viên “Ký ức Hội An. Có lẽ, chúng ta đang “Tìm lại ngày xưa đã mất” trong tương lai gần qua những vở diễn thực cảnh có bán vé, miêu tả lịch sử mảnh đất nổi tiếng này, trong khi khi cái “hồn cốt phố xưa” đã dần đi vào dĩ vãng, cho dù những ngôi nhà, ngôi chùa, cây cầu cũ… vẫn còn đó.

Làm gì để giữ “hồn” phố cổ Hội An

Làm gì để giữ “hồn” phố cổ Hội An

Một phố cổ Hội An với những con người thuần hậu, không gian đô thị cổ trong lành, yên tĩnh. Những giá trị văn hóa, tín ngưỡng tại đô thị cổ này đã làm nên “thương hiệu” du lịch Hội An mang tầm quốc tế, song để lưu giữ được những giá trị này là một bài toán khó.

Tin nổi bật khởi nghiệp trẻ

Bí kíp học tiếng Anh hiệu quả

Bí kíp học tiếng Anh hiệu quả
Việc học một ngôn ngữ mới như tiếng Anh có thể sẽ là điều khó khăn với nhiều bạn học sinh, sinh viên. Phổ biến nhất là việc chỉ vừa thi xong, toàn bộ kiến thức bị trôi tuột khỏi đầu các cô, cậu Gen Z, Alphas... quá nửa.

Bí kíp học tiếng Anh hiệu quả

Bí kíp học tiếng Anh hiệu quả
Việc học một ngôn ngữ mới như tiếng Anh có thể sẽ là điều khó khăn với nhiều bạn học sinh, sinh viên. Phổ biến nhất là việc chỉ vừa thi xong, toàn bộ kiến thức bị trôi tuột khỏi đầu các cô, cậu Gen Z, Alphas... quá nửa.