Năm 2011, Tổng Công ty Cổ phần Vận tải Dầu khí ( PV Trans) là đơn vị khó khăn nhất Tập đoàn: Nợ nần chồng chất, nhiều tàu vận chuyển hàng lỏng thì phải nằm bờ vì không cạnh tranh nổi với tàu nước ngoài; đã có cán bộ, công nhân viên tìm đường rời "con tàu sắp đắm". Giai đoạn 2010-2011, PVTrans có 16 đơn vị thì 7 thua lỗ, 3 phá sản.
Đã có thời điểm lãnh đạo Tập đoàn bàn tới việc “có nên cho PV Trans phá sản hay không?” Nhưng như có phép màu, từ năm 2012, PV Trans từng bước thoát hiểm ngoạn mục và có mức tăng trưởng đều đặn trên 18% từ năm 2012 tới 2019.
Năm 2019, PVTrans đạt mức cao kỷ lục về các chỉ tiêu SXKD kể từ khi thành lập cách đây 17 năm với lợi nhuận trước thuế đạt 1.012 tỷ đồng, lần đầu tiên lọt vào TOP các Doanh nghiệp lợi nhuận nghìn tỷ đồng, được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tín nhiệm cao.
Giai đoạn từ năm 2018 đến nay, xác định thị trường quốc tế là thị trường mục tiêu phát triển lâu dài, bên cạnh việc giữ vững thị phần trong nước, PVTrans đẩy mạnh việc đa dạng hóa thị trường, phát triển mạnh mẽ ra thị trường quốc tế.
Nếu như năm 2016, PVTrans chỉ có 6/17 tàu hoạt động tuyến quốc tế thì đến năm 2019 đã là 22/31 tàu, chiếm 70% đội tàu của PVTrans đang thường xuyên hoạt động tại thị trường quốc tế đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn Vetting, Oil Major tại các thị trường lớn như Mỹ, Úc, Châu Âu, mang đến không chỉ nguồn thu ngoại tệ mà còn khẳng định thương hiệu PVTrans trên thị trường quốc tế.
Điều gì đã làm nên sự "hồi sinh thần kỳ" của PV Trans?
Năm 2012, lãnh đạo PVTrans đánh giá lại những cơ hội, rủi ro, quyết liệt thay đổi nhằm từng bước đưa PVTrans thoát cơn bão khủng hoảng kinh tế và duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Việc đầu tiên là chia nhỏ các đơn vị tàu, gắn trách nhiệm cho giám đốc các công ty thành viên nhằm phân tán rủi ro, loại bỏ lề thói cũ, gắn trách nhiệm đến cùng cho một cá nhân cụ thể chứ không còn là kiểu “tập thể chịu trách nhiệm” như trước. Bên cạnh đó, kiểm tra kiểm soát nội bộ, minh bạch các mặt, nhất là về tài chính là điều bắt buộc.
Chính nhờ sự thay đổi này mà PV Trans đã hoàn thành xuất sắc và về đích trước 2 năm các mục tiêu kế hoạch SXKD 5 năm được Tập đoàn giao đối với giai đoạn 2016-2020, có thể nói, đây là giai đoạn bản lề đánh dấu bước phát triển mới, của PVTrans với kết quả như sau: Tổng doanh thu hợp nhất ước đạt 35.324 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch, duy trì tăng trưởng liên tục với tổng lợi nhuận tăng bình quân 18%/năm.
Trong giai đoạn 2016-2019, đội tàu của PVTrans được đầu tư phát triển theo hướng trẻ hoá với chi phí đầu tư hợp lý, đảm bảo chất lượng và hiệu quả khai thác, đảm bảo an toàn, giảm thiểu ô nhiễm mô trường và tiết kiệm nhiên liệu, cụ thể đã triển khai đầu tư 14 tàu các loại với tổng vốn đầu tư là 163 triệu USD so với kế hoạch 5 năm là 28 tàu và tổng mức đầu tư 262 triệu USD. Việc đầu tư tập trung chủ yếu vào giai đoạn 2017-2019 là giai đoạn giá tàu ở mức hợp lý.
Là đơn vị duy nhất của Tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực trong lĩnh vực vận tải dầu khí, đóng vai trò là một mắt xích trong chuỗi giá trị của Tập đoàn, do đó, PVTrans luôn được Tập đoàn quan tâm, chỉ đạo sát sao về mọi mặt và nhận được sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ của các đơn vị thành viên trong Tập đoàn, đặc biệt là các đơn vị như Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, PV Oil, VSP, PVEP, PV Gas.
Năm 2016, do giá dầu giảm, ngành vận tải dầu trên thế giới lâm vào khó khăn, nhưng PVTrans đã tận dụng được cơ hội đầu tư trẻ hóa đội tàu, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong 5 năm qua, vị thế và nguồn lực của PVTrans đã được cải thiện và nâng cao rõ rệt. Năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, thị phần và thương hiệu của PVTrans đã nằm trong top đầu các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam.
Ngay trong những ngày này, khi mà cơn bão dịch COVID-19 đang hoành hành, thì trên nhiều đại dương, những con tàu của PV Trans vẫn hiện diện. Nhiều thuyền trưởng và thuyền viên cả năm nay chưa được về nhà. Có những con tàu cả trăm ngàn tấn đang phải neo ở một vùng cảng xa xôi, anh em chỉ còn biết loanh quanh trong các ca bin sắt thép chật hẹp trong hàng tháng liền. Họ không được lên bờ, liên lạc về nhà chủ yếu qua Internet, hoặc may mắn lắm là có điện thoại vệ tinh…
Nhưng không có một ai kêu khó, kêu khổ, họ đang "nghiến răng lại chịu đựng", đồng lòng vượt qua khó khăn.
Còn trong tình hình cả thế giới lâm vào cuộc đại khủng hoảng, Tổng Giám đốc Phạm Việt Anh thẳng thắn cho biết đã xây dựng xong kịch bản "sống sót". Doanh thu của PV Trans trong quý 1 năm 2020 đã suy giảm, bởi phải giảm giá vận tải cho một số doanh nghiệp dầu khí cũng đang khốn khó trăm bề.