Sống chậm!

Góc nhìn
Trước hết con người được cân nhắc kỹ hơn mỗi khi hành động. Có cần ra đường không?

Tặc lưỡi, sếp nói ai có điều kiện nên làm ở nhà, mọi việc nhờ tiện ích toàn cầu, hề chi.

Vợ cho hay, một đám cưới báo hoãn còn đám tân gia đám đầy tháng đám thôi nôi tuyệt chủng rồi anh ơi.

Chồng phụ họa: Vậy đám giỗ còn không? Vợ nguýt, nhà ai nấy giỗ, hỏi kỳ ghê. Hôm nay ăn gì, tiếp tục ăn những thứ mình tích trữ, rau củ để lâu mất tươi, em khỏi đi chợ há? Được một ngày chồng vợ nhìn thấy nhau, không rời, 24/24.

Hai con nghỉ học, đã qua giai đoạn vươn vai và búng như sâu đo trên chiếc giường của chúng. Học online chập chờn, rồi vào trớn, chúng thấy cũng chấp nhận được.

Nhưng sao bằng tiếp xúc thầy cô bằng xương bằng thịt, thầy trò nhìn vào mắt nhau, nghe phản hồi và lại nhìn vào cảm xúc nhau để biết các học trò đang thông hay đang vướng, đang hả hê hay đang ngập ngừng.

Trong bốn bức tường, bao nhiêu con thằn lằn bên máng néon cũng đã thuộc, nghe gió bên ngoài cửa sổ có thể biết mấy giờ mà không cần đồng hồ.

Cái ban-công chừng hai mét vuông để nhìn xuống và nhìn trải ra xa, bỗng phát hiện khu phố thân thuộc nhiều chấm phá hay hay như một người bạn cũ mà đang mới, ở chỗ như cứu cánh này mẹ hay phơi khẩu trang và áo khoác của ba, cũng là nơi chiếc máy đi bộ không đóng bụi như mọi khi, ba xong rồi đến lượt mẹ và các con thay nhau, không ai phải giục ai cả.

Đám sách mới mua về chưa kịp đọc bị lôi ra để hai đứa thay nhau hành hạ, không cần mẹ nhắc chừng như một bài học mà không chịu thuộc lòng.

Hóa ra đọc sách giấy dễ chịu thật, không chán mắt, đêm đêm, với tay lên nút đèn đầu giường, chúng thấy lan tỏa một cảm giác nhẹ nhàng cho một giấc ngủ thanh thanh chúng chưa từng biết đến.

Cha mẹ hai bên đều ở xa. Xa vừa chứ không xa quá đến mức cách trở. Chồng nhắc em gọi điện mỗi ngày giúp anh nhé.

Vợ khẽ khàng, anh vấn an ba mẹ em, hai ông bà nghe con rể hỏi thăm sẽ thích hơn, còn em gọi điện cho ông bà nội bọn nhỏ, há? Như khi biếu tiền, anh đưa cho cha mẹ vợ, em đưa cho cha mẹ chồng, vậy đi anh.

Chồng nghe vợ và cũng có nhiều thời gian để lắng nghe cảm xúc của mình, trong đó là sự biết ơn người vợ chu đáo vén khéo luôn nhắc nhở chồng những việc nghĩa tình. Trên hết là mình bỗng thấy tình cha nghĩa mẹ hiện ra lồng lộng mà trước nay, vì quá vội vã, người con đã không kịp nhớ.

Sao con virus Corona lại nghiệt ngã đến vậy, có thể nào chúng sẽ làm hại những con người đang cố gắng trấn an các con bằng những những câu quen tai trên điện thoại mỗi ngày: “Các chiến binh già này ngoan cường nha, đừng quá lo nha, các con bảo trọng, các cháu cố gắng vượt qua ngày rộng tháng dài kỳ quặc này nha”.

Vợ chồng nói được với nhau biết bao nhiêu chuyện bên hai chiếc gối thoảng mùi lá sả. Tội nghiệp người chạy ăn từng bữa em há, lấy đâu ra? Anh biết không, chùa cũng vắng, người ta ngại bước vô chùa với khẩu trang, thôi thì tu tại gia, phật ở lòng mình, phát nguyện còn nhiều cách khác.

Mấy hôm trước anh thấy người đẩy xe cháo lòng mặt buồn hiu, xe cháo nuôi hai đứa con ăn học, giờ người ta ngại ra đường, ăn sáng ế ẩm quá, tội nghiệp. Ừ anh, xe hủ tiếu buổi tối cũng không thấy nữa, chắc dẹp rồi, đứt bữa.

Em tưởng nhà mặt tiền sướng vĩnh viến sao, giờ hàng quán ngưng trệ, người ta dẹp quán trả nhà đầy ra. Cùng thở dài, chuyện toàn cầu chứ riêng gì cái xó phố của mình, lo nghĩ quá coi chừng cô vít chưa hỏi thăm thì đã tổn thọ!

Nhưng giấc ngủ không dễ đến. Cùng bật lại đèn mở smartphone lướt web và “đi chợ phây” xem thế giới, xem Hà Nội, xem Sài Gòn, xem xem xem. Cảm giác như cả thế giới đang cùng một nhịp thở, một cơn đau, một sự cách trở không giải quyết nổi.

Bao giờ và bao giờ? Mỗi quốc gia một kiểu chống đỡ không giống nhau nhưng thảy đều mong manh với đường biên đã trở nên buồn cười trước bước chân quỷ quyệt của loài quỷ dữ có cái tên bị nhân loại nguyền rủa hàng trăm ngày qua. Và con người bé nhỏ, con người cát bụi cho dù là cát bụi tuyệt vời như Trịnh Công Sơn từng mô tả.

Chồng ngồi dậy bật nhạc, loại nhạc như nghe kinh thì chỉ có thể là Trịnh Công Sơn trong những ngày này.

Rồi một ngày kia khăn gói đi xa

Tưởng rằng được quên thương nhớ nơi quê nhà

Lòng thật bình yên mà sao buồn thế

Giật mình nhìn tôi ngồi khóc bao giờ.

………………

Đường nào dìu tôi đi đến cơn say

Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời

Dù thật lệ rơi lòng không buồn mấy

Giật mình tỉnh ra, ôi nắng lên rồi

Vợ áp đầu vào cánh tay chồng, Tết tới đây dù xe cộ kẹt cứng cũng ráng về quê mồ mả ông bà nghe anh. Chồng đưa tay chùi một bên má ươn ướt của vợ Thôi, ngày mai trời lại sáng, cứ tin vậy đi em.

Dạ Ngân

1 0

Quan tâm

https://nongnghiep.vn/song-cham-d260082.html
Doanh nhân trẻ không chỉ tạo ra giá trị cho riêng mình...

Doanh nhân trẻ không chỉ tạo ra giá trị cho riêng mình...

Doanh nhân trẻ với tâm, tầm, thế trong phát triển kinh tế đất nước thời đại mới; Cách để giữ chân được người trẻ; Làm thế nào để thúc đẩy sự tham gia phát triển thành tựu của người trẻ… là những ý kiến tham luận, trăn trở của nhiều đại biểu tham dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2022-2025.
Báo Tuổi trẻ Thủ đô và Công ty ATP trao tặng 200 suất quà cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn bởi Covid-19

Báo Tuổi trẻ Thủ đô và Công ty ATP trao tặng 200 suất quà cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn bởi Covid-19

TTTĐ - Chiều 24/8, Báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Hai Bà Trưng và Công ty CP Đầu tư Dịch vụ và Thương mại ATP tổ chức chương trình trao hỗ trợ cho 200 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn quận Hai Bà Trưng (Hà Nội).

Tin nổi bật khởi nghiệp trẻ

Hà Nội ghi nhận 41 ca mắc sốt xuất huyết

Hà Nội ghi nhận 41 ca mắc sốt xuất huyết
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 10 - 17/5), toàn thành phố ghi nhận 68 ca mắc tay chân miệng, giảm 61 ca mắc so với tuần trước đó; sốt xuất huyết ghi nhận 41 ca mắc, tăng 16 ca so với tuần trước.

Bí kíp học tiếng Anh hiệu quả

Bí kíp học tiếng Anh hiệu quả
Việc học một ngôn ngữ mới như tiếng Anh có thể sẽ là điều khó khăn với nhiều bạn học sinh, sinh viên. Phổ biến nhất là việc chỉ vừa thi xong, toàn bộ kiến thức bị trôi tuột khỏi đầu các cô, cậu Gen Z, Alphas... quá nửa.

Hà Nội ghi nhận 41 ca mắc sốt xuất huyết

Hà Nội ghi nhận 41 ca mắc sốt xuất huyết
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 10 - 17/5), toàn thành phố ghi nhận 68 ca mắc tay chân miệng, giảm 61 ca mắc so với tuần trước đó; sốt xuất huyết ghi nhận 41 ca mắc, tăng 16 ca so với tuần trước.