Phát biểu tại buổi họp báo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ngày 25/8, ông Tôn Quốc Phong, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ khẳng định thời gian tới Trung Quốc sẽ tiếp tục áp dụng chính sách tiền tệ thận trọng linh hoạt.
Ông Tôn Quốc Phong, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2020 các khoản vay mới bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc là 13,1 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 1,87 nghìn tỷ USD), tăng 2,4 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 343 tỷ USD), về tổng thể lượng cung tiền M2 và huy động vốn trong xã hội đều tăng so với năm ngoái, với mức tăng lần lượt là 2% và 2,2%.
![]() |
Ông Tôn Quốc Phong, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ thuộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Nguồn Xinhua |
Riêng trong tháng 7/2020, lượng cung tiền M1 đã tăng 6,9%, mức tăng cao nhất kể từ tháng 5/2018 trở lại đây, điều này cho thấy sức sống của doanh nghiệp đã được phục hồi, chính sách hỗ trợ ổn định doanh nghiệp và bảo đảm việc làm của nước này cũng đang từng bước có hiệu quả. Ông Tôn Quốc Phong khẳng định, thời gian tới chính sách tiền tệ thận trọng của Trung Quốc sẽ tiếp tục linh hoạt, tuy nhiên vẫn đảm bảo sự ổn định nhằm hỗ trợ hơn nữa cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ông Tôn Quốc Phong nói: “Dịch bệnh khiến các nhân tố bất ổn gia tăng, ảnh hưởng đối với tâm lý thị trường tiền tệ là khó tránh khỏi, do đó chính sách tiền tệ càng cần độ ổn định hơn nữa để đối phó với các nhân tố bất ổn. Ba yếu tố ổn định bao gồm: định hướng chính sách tiền tệ thận trọng không thay đổi, duy trì tính linh hoạt và điều độ của các thao tác, ngoài ra cần kiên trì quyết tâm thực hiện chính sách tiền tệ thông thường”.
Cũng tại buổi họp báo, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ ngân hàng Trung ương Trung Quốc khẳng định, đối mặt với áp lực suy giảm của nền kinh tế và khó khăn trong việc huy động vốn, tuy nhiên Ngân hàng trung ương nước này đã không sử dụng công cụ của chính sách tiền tệ đặc biệt như áp tỷ lệ lãi suất bằng không hoặc lãi suất âm, cũng như nới lỏng định lượng mà kết hợp đồng bộ cả biện pháp chính sách tổng thể lẫn cấu trúc, duy trì thanh khoản dồi dào, đẩy mạnh cải cách lãi suất để cắt giảm chi phí vay và bổ trợ nguồn lực tài chính một cách hiệu quả hơn./.