Đây là một trong bốn dự tuyển vaccine được trông đợi của Việt Nam, là sản phẩm hợp tác giữa Viện với Tổ chức y tế toàn cầu PATH cùng Đại học Y Lahn của Mỹ.
Dự tuyển vaccine thuộc loại bất hoạt, đã được đánh giá tính an toàn và tạo được miễn dịch trên động vật thí nghiệm. Nó từng được sử dụng trong sản xuất một số loại vaccine thú y và trong nghiên cứu vaccine COVID-19.
Tiến sĩ Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC tại Nha Trang cho biết, hồi tháng 5, phía Mỹ đã chuyển cho IVAC chủng dự tuyển có tên NDV-Lasota-S để cùng phát triển, với mục tiêu là làm sao trong 18 tháng, phải tạo ra được vaccine đủ điều kiện để đưa vào sử dụng.
Ông cùng hơn 20 nhà khoa học của đơn vị ở luôn trong phòng thí nghiệm tại nhà máy, có khi vài ba ngày mới về nhà. Họ thiết lập quy trình sản xuất tương tự như sản xuất vaccine cúm mùa: sử dụng công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi.
Viện có giống gà Pháp được lấy trứng theo quy trình sạch để phục vụ nghiên cứu và đã thành công với sản xuất vaccine cúm mùa, đưa vào lưu hành đầu năm 2019.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học tiêm chủng NDV-Lasota-S vào dịch niệu đệm trứng gà. Quá trình nuôi cấy, virus phát triển túi dịch thì hút dịch chứa virus ra ngoài.
Sau đó, bắt đầu quá trình tinh chế, lọc tách lấy virus và dùng hóa chất để làm chết virus (bất hoạt). Virus lúc này không còn khả năng gây bệnh, song vẫn giữ nguyên đặc tính ban đầu. Các nhà khoa học sẽ dùng sản phẩm này bào chế sản xuất vaccine. Kết quả ban đầu khá tốt, chủng phát triển tốt và thích ứng với quy trình công nghệ hiện có.
"Chúng tôi tin tưởng vào tính khả thi của nghiên cứu sản xuất vaccine COVID-19", tiến sĩ Thái nói.
Mẫu dự tuyển được chuyển sang Mỹ để các đối tác thử nghiệm trên chuột hamster, đánh giá tính an toàn và hiệu lực bảo vệ. Tháng 8 này sẽ có kết quả thử trên chuột. Nếu khả quan, IVAC sẽ đề xuất thử nghiệm trên người vào cuối năm nay.
Sản xuất một vaccine đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó phải có chủng tốt, an toàn và xây dựng miễn dịch có khả năng bảo vệ. Các điều kiện này IVAC đáp ứng sẵn. Hai là công nghệ phù hợp - IVAC đã làm chủ công nghệ sản xuất vaccine cú trên trứng gà có phôi.
Về quy mô sản xuất, IVAC chưa thể gọi là lớn, song có thể cung cấp 6 triệu liều vaccine một năm và có thể mở rộng quy mô nếu kết quả nghiên cứu khả thi, ông Thái cho biết.
Theo viện trưởng IVAC, đây là những dấu hiệu tích cực ban đầu, nhưng mọi thứ phải chờ vào kết quả từng giai đoạn thử nghiệm. Trong nghiên cứu, không ai dám khẳng định thành công khi chưa đến được giai đoạn sản xuất đại trà.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm hơn 24 năm nghiên cứu, chế tạo vaccine, ông Thái có niềm tin vào dự án này, bởi kết quả ban đầu khá lạc quan, nhiều triển vọng.
"IVAC có nền tảng trong nghiên cứu phát triển, từng thành công trong bào chế các loại vaccine, đưa vào ứng dụng trong thực tiễn", tiến sĩ Thái kỳ vọng.