Sau một ngày xảy ra vụ đánh ghen trên phố Lý Nam Đế (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) khiến dư luận xôn xao. Ngày 16/9, PV liên hệ với chị T - người vợ trong vụ đánh ghen ở phố Lý Nam Đế, Hà Nội trong tâm trạng khá buồn, mệt mỏi. Chị T cho biết, đêm qua chồng mình không về, bản thân đang rất mệt mỏi, không muốn chia sẻ gì sau những chuyện đã xảy ra.
"Tôi cũng bị thương, sức khỏe không bị làm sao. Sự việc hôm qua chồng tôi không nói gì. Tôi không muốn quan tâm gì nữa, mệt mỏi lắm rồi", chị T nói.
![]() |
Nếu bị tố cáo, người chồng bóp cổ vợ cho nhân tình bỏ chạy khi bị đánh ghen, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích |
Trước đó, chiều 15/9 mạng xã hội xuất hiện nhiều clip về vụ đánh ghen xảy ra tại khu vực số 95 Lý Nam Đế gây xôn xao cộng đồng mạng. Hình ảnh clip cho thấy, người phụ nữ mặc áo chống nắng, đội mũ bảo hiểm sau khi phát hiện chồng mình chở theo cô gái trẻ (được cho là tình nhân) trên xe sang Lexus LX 570 thì tỏ ra vô cùng tức giận, xông vào đánh cô gái.
Thấy cảnh vợ xô xát với nhân tình, người chồng lập tức giữ chặt lấy tay vợ để... bảo vệ cho bồ nhí. "Em đi đi, chạy nhanh đi, về đi...". Trong khi đó anh này lại đẩy, đánh vợ không thương tiếc.
Sự việc chỉ dừng lại khi có sự can thiệp của lực lượng công an, dân phòng phường. Cô gái cùng người chồng sau đó rời đi bằng xe taxi. Còn người vợ cũng lên xe ô tô Lexus rời khỏi hiện trường.
Trao đổi về vụ việc trên, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, pháp luật nước ta chưa có văn bản nào quy định về việc đánh ghen, không cho phép đánh ghen, cũng như không quy định thế nào là đánh ghen hợp pháp. Tuy nhiên, nếu đánh ghen là đánh người, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác thì đó là hành vi vi phạm pháp luật.
Đối với trường hợp đánh ghen xảy ra tại phố Lý Nam Đế vừa qua, chưa biết cụ thể nguyên nhân sự việc thế nào, mối quan hệ giữa các bên ra sao nhưng qua hình ảnh của đoạn clip thì nhiều người sẽ nghĩ đây là một vụ đánh ghen bắt gặp quả tang. Nhiều người sẽ thông cảm với người vợ, đồng thời lên án hành vi của người đàn ông và cô gái kia.
Tuy nhiên, hành vi đánh người, gây náo loạn trên phố, ùn tắc giao thông thì người phụ nữ được cho là vợ này có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng. Hành vi này có thể bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng (khoản 3 Điều 5 Quy định xử phạt hành chính).
![]() |
Người vợ sẽ đối diện mức phạt hành chính 3 triệu đồng về tội Gây rối trật tự công cộng sau vụ đánh ghen |
Vụ việc này xảy ra nơi công cộng, gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến sự hoạt động, lưu thông trên đường phố, bởi vậy dù không có đơn thư tố cáo nhưng qua hình ảnh đăng tải công khai trên mạng xã hội thì cơ quan công an cũng sẽ vào cuộc xác minh làm rõ sự việc để có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật.
Trường hợp hành vi đánh ghen nơi công cộng, trên đường gây ách tắc giao thông trên một tiếng đồng hồ hoặc hành vi được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người đánh ghen về tội gây rối trật tự công cộng.
Trong khi đó, đối với người đàn ông trong vụ việc trên nếu xác định được người này có quan hệ bồ bịch, yêu đương ngoài hôn nhân thì là hành vi vi phạm đạo đức xã hội, đáng lên án. Đáng chú ý, hình ảnh từ trong clip cho thấy người đàn ông này đã đánh cùi chỏ vào mặt vợ mình, bóp cổ vợ để giải thoát cho cô gái trẻ.
Nếu người vợ có đơn trình báo đề nghị xử lý về hành vi cố ý gây thương tích và quá trình xác minh cho thấy người phụ nữ có tỷ lệ thương tích thì dù thương tích dưới 11% nhưng hành vi được xác định là có tính chất côn đồ hoặc vì động cơ đê hèn thì người đàn ông này vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Dưới góc độ đạo đức, "người thứ ba" chen vào cuộc sống gia đình của người khác đang êm ấm, hạnh phúc, làm ảnh hưởng tới cuộc sống, tình cảm gia đình họ là sai, đáng chê trách. Dưới góc độ pháp luật, đó là hành vi vi phạm chế độ hôn nhân gia đình một vợ một chồng.
Điều 134, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Có tổ chức; g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. |