
TP Hà Nội đã tính đến việc chuẩn bị lượng hàng hóa tăng thêm 30% -50% so với nhu cầu bình thường của người dân trong một tháng. Ảnh: LP
Hà Nội chuẩn bị hàng dự trữ gấp đôi nhu cầu của người dân
Theo Sở Công thương Hà Nội, Sở đã có phương án chuẩn bị nguồn hàng và bảo đảm cung ứng cho thị trường theo các kịch bản diễn biến của dịch bệnh. Thành phố đã tính đến việc chuẩn bị lượng hàng hóa tăng thêm 30% -50% so với nhu cầu bình thường của người dân trong một tháng.
Đối với khu vực bị cách ly, các phương án đã tính đến tình huống giả định khu vực bị cách ly khoảng 5.000 người trong thời gian 30 ngày. Tổng lượng hàng cần thiết là: Gạo 90 tấn; thịt lợn 6,75 tấn; trứng gia cầm 75 nghìn quả; muối ăn, bột canh 750 kg; thủy hải sản đông lạnh 7,8 tấn; thực phẩm chế biến 6,75 tấn; sản phẩm chế biến từ ngũ cốc (Mỳ ăn liền, cháo ăn liền, cơm khô, lương khô…) 60 nghìn gói.
Chiều ngày 19/3, Sở Công Thương Hà Nội đã làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối bán lẻ hàng hóa thiết yếu trên địa bàn để lên phương án và ước tính khả năng cung ứng hàng của từng doanh nghiệp để có phương án đưa hàng theo từng kịch bản bảo đảm nguồn cung trong các tình huống và bình ổn thị trường.
Ninh Thuận và các tỉnh vệ tinh đáp ứng đủ nhu cầu hàng hóa
Tại Ninh Thuận, ngay trong ngày 18/3, Cty CP Thương mại dịch vụ Vincommerce đã liên hệ với Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận để phối hợp tăng nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho địa bàn Ninh Thuận (danh sách, số lượng và giá của 100 sản phẩm thiết yếu).
Riêng đối với địa bàn bị cách ly (thôn Văn Lâm 3 với quy mô khoảng 5.000 dân sinh sống), chính quyền xã và huyện đã phối hợp với Vincommerce lên danh sách các mặt hàng nhu yếu phẩm của người dân và thực hiện cung ứng các mặt hàng này cho người dân. Siêu thị SaiGon Coop cũng đang phối hợp với Sở Công Thương Ninh Thuận để thực hiện việc cung ứng hàng hóa cho địa bàn tỉnh Ninh Thuận nói chung và hỗ trợ cung ứng hàng cho khu vực cách ly nói riêng.
Đối với mặt hàng gạo, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) đã liên hệ với Hiệp hội Lương thực để phối hợp đôn đốc Tổng Cty Lương thực Miền Nam triển khai việc điều phối nguồn cung gạo cho địa bàn Ninh Thuận.
Đối với mặt hàng khẩu trang, Vụ Thị trường trong nước đã trực tiếp liên hệ với Vinatex để yêu cầu phối hợp, hỗ trợ Sở Công Thương Ninh Thuận cung cấp gấp 100.000 khẩu trang vải cho địa bàn tỉnh Ninh Thuận.
Hiện tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã ổn định, nguồn cung hàng hóa đang được bổ sung tăng lên cũng đã góp phần ổn định tâm lý của người dân.
Hải Dương chuẩn bị nguồn hàng dự trữ theo cấp độ 5
Tại tỉnh Hải Dương, từ tối ngày 18/3 có thôn Tiêu Sơn bị cách ly với tổng số người khoảng 2.300 người. Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương đã xây dựng các kịch bản ứng phó với tình hình dịch Covid - 19 theo 5 cấp độ lây lan của dịch bệnh tại đia phương kèm theo các phương án ứng phó, bảo đảm nguồn cung các hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Theo đó, dự kiến lượng hàng hóa để phục vụ cho khu vực bị cách ly, giả định cho khoảng 3.000 người trong thời gian 30 ngày. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn sẵn sàng cung ứng đủ nhu cầu khi có tình huống cách ly xảy ra.
Sáng ngày 19/3, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương đã bắt đầu triển khai các phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu như kịch bản đã xây dựng. Đến chiều cùng ngày, về cơ bản, nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu dân sinh trong tỉnh khá dồi dào; luôn sẵn sàng phục vụ nhân dân đầy đủ, kịp thời. Số lượng hàng thực phẩm tươi sống và hàng dự trữ lưu thông bình quân của các thương nhân luôn sẵn sàng phục vụ cho số lượng dân cư từ 20.000 đến 40.000 người.
Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cam kết sẵn sàng tăng năng lực sản xuất, kinh doanh từ 50-100% khi có yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Riêng Big-C Hải Dương sẵn sàng phục vụ các xuất ăn nhanh khi cần.
Như vậy, nếu tính bình quân một khu vực bị cách ly có khoảng 3.000 dân, thì các doanh nghiệp, hộ kinh doanh này sẵn sàng phục vụ từ 7 đến 12 khu cách ly và khi cần có thể phục vụ 30 khu cách ly hoặc chi viện các địa phương khác trong cả nước.
Giá cả hàng hóa và chi phí vận chuyển cam kết đảm bảo ổn định theo diễn biến thị trường trước và trong thời điểm thực hiện cách ly.. Nhà phân phối đề nghị được giao hàng cho lực lượng chức năng tại và đề nghị có thỏa thuận rõ về phương thức thanh toán.
Đối với mặt hàng khẩu trang vải kháng khuẩn, ngoài các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, doanh nghiệp ở tỉnh ngoài mà Sở Công Thương đã liên hệ; hiện trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp tổ chức sản xuất hoặc nhập hàng về kinh doanh như Công ty CP may 2 Hải Dương, Big C Hải Dương, Công ty CP thương mại và dịch vụ HTC... luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu. Do đó, các tổ chức, đơn vị trong tỉnh nếu phát sinh nhu cầu về mặt hàng này có thể liên hệ với Sở Công Thương để hỗ trợ kết nối với các đơn vị cung cấp khẩu trang đạt tiêu chuẩn.
Lê Phương