Thủ tướng chào mừng các đại biểu quốc tế dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2023 -Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Nhóm WB và Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) phối hợp tổ chức.
Dựa vào khoa học và công nghệ để phát triển đất nước
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao chủ đề của Diễn đàn rất thiết thực trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh", phát triển dựa vào kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, đồng thời, xác định kinh tế xanh, chuyển đổi xanh là động lực tăng trưởng quan trọng trong dài hạn, dựa vào khoa học và công nghệ để phát triển đất nước.
"Các phát biểu tại Diễn đàn cho thấy chúng ta rất hiểu nhau, rất tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhau để cùng vượt qua khó khăn và cùng nhau làm tốt hơn trong thời gian tới. Qua nhiều lần tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam, tôi luôn cảm nhận được ngọn lửa nhiệt huyết của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, sự chân thành, tin cậy giữa hai bên", Thủ tướng phát biểu.
Các đại biểu quốc tế dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng đánh giá 25 năm qua, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam đã đồng hành cùng với Chính phủ Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và có nhiều đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển KT-XH, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng trân trọng cảm ơn và đánh giá cao đóng góp của Diễn đàn và cộng đồng doanh nghiệp vì những đóng góp quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả với kinh tế khu vực và toàn cầu. Sau hơn 35 năm đổi mới, quy mô kinh tế Việt Nam đạt hơn 400 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt hơn 4.100 USD, Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Nhân dịp này, Thủ tướng cũng cảm ơn các doanh nghiệp đã hỗ trợ Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19, kiểm soát dịch bệnh thành công, thực hiện hiệu quả chiến lược vaccine, đưa ra các công thức, trụ cột phòng chống dịch, chuyển hướng thích ứng an toàn linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, mở cửa sớm nền kinh tế.
Dưới dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. An sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng - an ninh được củng cố, đối ngoại và hội nhập tiếp tục được mở rộng, tăng cường…
Vốn thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài năm 2022 đạt hơn 22 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021, cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Đến nay, Việt Nam đã tham gia vào 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với gần 60 nền kinh tế trên thế giới, trong đó có 15 FTA đã được ký kết và 2 FTA đang trong quá trình đàm phán.
Thủ tướng cảm ơn các doanh nghiệp đã hỗ trợ Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19, kiểm soát dịch bệnh thành công để có điều kiện mở cửa sớm nền kinh tế - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược
Chia sẻ với các đại biểu về các nền tảng phát triển của Việt Nam, Thủ tướng cho biết Việt Nam đang tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quan điểm xuyên suốt là lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực cho sự phát triển.
Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Xác định nguồn lực bên trong (gồm con người, tài nguyên thiên nhiên và truyền thống lịch sử văn hóa) là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; nguồn lực bên ngoài (thể chế, tài chính, công nghệ, quản trị tiên tiến và trình độ nguồn nhân lực) là quan trọng và đột phá.
Việt Nam đang tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực.
Về thể chế, Việt Nam tập trung rà soát các vướng mắc pháp lý, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật, nhất là các vấn đề thực tiễn mới phát sinh, cần điều chỉnh để tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi cho phát triển KT-XH; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác.
Về kết cấu hạ tầng, Việt Nam tập trung cho hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống đường bộ cao tốc, chuẩn bị phát triển đường sắt tốc độ cao, xây dựng các sân bay, cảng biển, đường thủy nội địa; hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu... Từ đó góp phần giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, doanh nghiệp, hàng hóa.
Chia sẻ với các đại biểu về các nền tảng phát triển của Việt Nam, Thủ tướng cho biết Việt Nam đang tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quan điểm xuyên suốt là lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực cho sự phát triển - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Về nguồn nhân lực, Việt Nam thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thúc đẩy khởi nghiệp; chú trọng đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ cao…
Việt Nam tiếp tục xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; tăng cường xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; triển khai công tác quy hoạch; cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn và trong sạch bộ máy, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng cho rằng đây là những các giải pháp căn cơ, lâu dài để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Tuy nhiên, theo quy luật, các hoạt động kinh doanh có lúc thuận lợi nhưng cũng có lúc khó khăn, thua lỗ, điều quan trọng nhất là về tổng thể, lâu dài, nhà đầu tư bảo toàn được vốn, mở rộng được sản xuất, kinh doanh, đạt được lợi nhuận.
Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ về tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tăng trưởng xanh - chủ trương lớn và quan trọng
Chia sẻ thêm về chủ đề của Diễn đàn, Thủ tướng nhấn mạnh: Tăng trưởng xanh là một chủ trương lớn và quan trọng của Đảng và Nhà nước Việt Nam nhằm đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH 2021-2030.
Trước xu hướng phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam đã được ban hành và thực thi với nhiều kết quả bước đầu đáng ghi nhận, đóng góp tích cực vào nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ, trong đó bao gồm đưa mức phát thải ròng về "0" vào năm 2050. Ngoài ra, các cam kết về phát triển bền vững cũng đã được đưa vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: CPTPP và EVFTA.
Trong quá trình này, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, còn nhiều khó khăn, nhưng cũng phải làm như một nước phát triển. Để cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng với Chính phủ Việt Nam trong thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh một số định hướng chiến lược và quan điểm.
Theo đó, tăng trưởng xanh là xu thế của thời đại, cũng là vấn đề toàn cầu, do đó, phải kêu gọi đoàn kết, hợp tác quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương trên tinh thần chân thành, tin cậy, hiệu quả. "Phát triển hôm nay nhưng phải nghĩ đến tương lai con cháu sau này; phát triển mang lại thu nhập cho người dân nhưng phải bảo đảm sức khỏe cho người dân", Thủ tướng nói.
Việt Nam đang tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ và chuyển đổi số. Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, đặc biệt lưu ý về quy hoạch phát triển điện lực quốc gia để phát triển năng lượng bền vững; đảm bảo quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc bình đẳng, bao trùm.
Cùng với đó, phát triển kinh tế xanh cần được triển khai quyết liệt ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu. Lấy con người là trung tâm, chủ thể, vừa là nguồn lực vừa là động lực quan trọng nhất và là mục tiêu cao nhất của sự phát triển, nhất là trong phát triển xanh. Tránh tình trạng "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau"; không chấp nhận phương thức tăng trưởng bằng mọi giá, thiếu tính bền vững và càng không chạy theo tăng trưởng đơn thuần mà phải hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường sống của người dân.
Theo Thủ tướng, tăng trưởng xanh cần có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện và năng lực khác nhau của từng vùng miền, địa phương và doanh nghiệp. Khuyến khích sự hưởng ứng và tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội, nhất là doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các dự án theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trong tăng trưởng xanh.
Quang cảnh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng cho rằng thời gian tới, phản ứng chính sách của các nước, thị trường bị thu hẹp, các diễn biến địa chính trị, xung đột ở một số nơi, các vấn đề an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh thông tin, biến đổi khí hậu, già hóa dân số… sẽ tiếp tục tác động tới Việt Nam, mang tới không ít khó khăn, thách thức.
Trong khi đó, Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn nhưng có độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế, chịu ảnh hưởng lớn trước các biến động của thế giới, trong khi nội tại vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.
Thủ tướng mong muốn nhà đầu tư tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam vượt qua khó khăn, "khó khăn lâu dài thì có giải pháp lâu dài, khó khăn trước mắt thì có giải pháp trước mắt".
Điều quan trọng là các bên giữ vững bản lĩnh, phát huy những kết quả đã đạt được, những kinh nghiệm đã có, nhận diện được vấn đề, lắng nghe ý kiến của nhau, tìm ra giải pháp phù hợp, hợp tác bền chặt, lâu dài trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, nếu cấu trúc hài hòa này bị phá vỡ thì hợp tác không thể bền vững.
Đồng thời, Thủ tướng mong muốn các nhà đầu tư, cộng đồng chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh, góp phần phát triển nền văn hóa Việt Nam ngang tầm với kinh tế và chính trị.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu dự Diễn đàn - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển
Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển, cụ thể là tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Quan tâm cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; tăng tính minh bạch, bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực; tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp, người lao động và các bên liên quan. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (về vốn, chuyển giao công nghệ, đào tạo, phát triển nhân lực…).
Cùng với đó, phát triển đồng bộ các loại thị trường tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận bình đẳng (thị trường hàng hóa và dịch vụ, tài chính - tiền tệ, chứng khoán; quyền sử dụng đất, bất động sản, khoa học - công nghệ, lao động, mua sắm công…).
Đồng thời, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước (đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý; bảo vệ sở hữu trí tuệ, quyền tác giả; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại…). Tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ công chức tận tuỵ, thân thiện, giải quyết dứt điểm các công việc, vướng mắc cho nhà đầu tư.
Thủ tướng đánh giá cao các ý kiến tại Diễn đàn rất tâm huyết, thẳng thắn, mang tính xây dựng và khát vọng lớn lao muốn đóng góp cho sự phát triển thịnh vượng của Việt Nam; yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các ý kiến tại Diễn đàn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có chỉ đạo tới các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như kiến nghị về sửa đổi thể chế, cơ chế, chính sách trong thời gian tới.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động xử lý, khẩn trương phản hồi các kiến nghị, tăng cường đối thoại chính sách, truyền thông chính sách, bảo đảm thực hiện đúng các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam.
Đồng thời, xem xét tiếp thu, lồng ghép các đề xuất, kiến nghị hợp lý của các đại biểu tại Diễn đàn vào các chương trình, kế hoạch hành động của bộ, ngành để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH, đồng thời, phục vụ trong công tác tham mưu, xây dựng pháp luật trong thời gian tới.
Về một số vấn đề quan tâm, kiến nghị cụ thể của nhà đầu tư, Thủ tướng cho biết các cơ quan sẽ tiếp tục giải quyết các vấn đề liên quan visa, giấy phép lao động theo hướng thuận lợi nhất. Các cơ quan cũng đang đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu… và các quy định liên quan. Về ngành dược, Quốc hội đã ban hành Luật Khám chữa bệnh sửa đổi và sắp tới các cơ quan sẽ trình Quốc hội sửa đổi Luật Dược. Về thuế tối thiểu toàn cầu, Chính phủ đang bám sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm các nước để sớm có chính sách phù hợp, phấn đấu ban hành ngay trong năm nay, tạo cơ hội cho doanh nghiệp nước ngoài hoạt động thuận lợi, đóng góp nhiều hơn cho Việt Nam nhưng không ảnh hưởng tới lợi ích của nhà đầu tư.
Chia sẻ thêm về những quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, Thủ tướng cho biết Việt Nam có tiềm năng lớn và cần phát triển ngành công nghiệp trong lĩnh vực này. Vừa qua, nhiều dự án điện gió, điện mặt trời đã được triển khai có hiệu quả nhưng có dấu hiệu phát triển nóng, có những dự án không đúng với quy hoạch, quy định hiện hành, giá cả không phù hợp. Do đó, các bên phải ngồi lại, đàm phán lại về giá điện trên tinh thần không để ai thiệt thòi, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", bảo đảm giá điện phù hợp với điều kiện nền kinh tế và thu nhập của người dân.
Mặt khác, Thủ tướng cho biết Việt Nam đang xây dựng cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp và sẽ khuyến khích cơ chế này trong thời gian tới. Thủ tướng cũng đề nghị các đối tác hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng bảo đảm công bằng, công lý với các khoản vay kéo dài hơn và lãi suất giảm đi.
Thủ tướng một lần nữa nêu rõ với chủ đề điều hành năm 2023 là "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả", Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực, quyết tâm cao nhất để đạt được mục tiêu đề ra, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, kinh doanh, bảo đảm lợi ích hài hòa các bên./.