Vụ xuân 2020, toàn thành phố Hà Nội đã gieo cấy được hơn 97% diện tích lúa. Hiện tại, lúa xuân đang trong thời kỳ sinh trưởng nhanh, đẻ nhánh rộ, tuy nhiên thời tiết âm u, độ ẩm không khí cao, số giờ nắng ít, nấm, khuẩn phát sinh gây bệnh đạo ôn lá. Cùng với đó, bệnh nghẹt rễ, vàng sinh lý, ruồi đục nõn, bọ trĩ và chuột gây hại bắt đầu xuất hiện…
Kết quả giám sát dịch bệnh thời gian qua cho thấy, bệnh đạo ôn lá đã phát sinh, lây lan và gây hại cục bộ trên một số giống nhiễm như J02, BC15, TBR225, nếp thơm... Diện tích nhiễm là hơn 313ha, trong đó, có 1,5ha lúa Xuân bị nặng.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, thời gian tới, thời tiết tiếp tục có mưa phùn, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát sinh và gây hại trên diện rộng. Để chủ động phòng trừ kịp thời và hiệu quả bệnh đạo ôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các địa phương tăng cường thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin về tác hại và các biện pháp phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa; Tổ chức phòng trừ bệnh đạo ôn kịp thời, hiệu quả, không để phát sinh, gây hại trên diện rộng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tăng cường công tác điều tra phát hiện, dự tính, dự báo chính xác; hướng dẫn các địa phương biện pháp phòng trừ bệnh đạo ôn kịp thời, an toàn và hiệu quả. Đồng thời, Chi cục chỉ đạo các trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật, nhân viên kỹ thuật trồng trọt, bảo vệ thực vật cấp xã tăng cường kiểm tra đồng ruộng, chủ động phối hợp với địa phương tổ chức phòng trừ bệnh đạo ôn...
Cụ thể, đối với những ruộng bị đạo ôn lá dừng ngay việc bón đạm, không phun các chất kích thích sinh trưởng, giữ mực nước ổn định, tránh để ruộng khô. Riêng đối với nạn chuột, nông dân cần cắt cỏ, vệ sinh bờ bao, tìm và phá ổ chuột để hạn chế nơi trú ngụ; sử dụng bẫy, bả sinh học diệt chuột.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng khuyến cáo, bà con cần thực hiện đúng nguyên tắc 4 đúng “đúng thuốc, đúng thời điểm, đúng liều lượng, đúng đối tượng”. Tuyệt đối không pha trộn các loại thuốc vào một bình để phun trừ, gây lãng phí và làm ô nhiễm môi trường. Nếu sâu, bệnh hại xuất hiện ở phạm vi hẹp bà con nên sử dụng các biện pháp thủ công bắt, diệt.
Từ nay đến cuối vụ, nhiều loại sâu bệnh hại tiếp tục xuất hiện, trong đó nguy hại nhất là bệnh đạo ôn cổ bông, rầy nâu, rầy lưng trắng… Do đó, bà con nông dân tại các huyện, thị xã cần theo dõi, chủ động các biện pháp phòng trừ sâu bệnh sớm bảo đảm vụ Xuân bội thu.
Liên quan đến nhiệm vụ này, trong thời gian tới, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thị trường, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, kiên quyết không để vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng lưu hành gây thiệt hại cho bà con nông dân. Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Phát triển nông nghiệp tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các biện pháp phòng trừ bệnh đạo ôn an toàn và hiệu quả…