Phát triển nông nghiệp theo quy hoạch vùng
Những năm gần đây, huyện Hoài Đức tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, bền vững, an toàn thực phẩm. Đặc biệt, huyện khuyến khích các địa phương phát triển mạnh vùng chuyên canh, tập trung trồng rau an toàn, hoa, cây cảnh, cây ăn quả... theo quy hoạch vùng, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản.
Đặc biệt, trong quá trình xây dựng Nông thôn mới, huyện Hoài Đức luôn quan tâm đến tiêu chí sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân, trong đó chú trọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng giá trị trên đơn vị canh tác. Đến nay, toàn huyện đã triển khai được hàng trăm héc ta trồng rau, hoa, cây ăn quả ở các xã Song Phương, Đông La, Tiền Yên, Vân Côn, Cát Quế, Đắc Sở, Yên Sở mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cụ thể, thời gian qua, nông dân ở một số xã của huyện Hoài Đức đã chuyển đổi hàng trăm héc ta từ trồng lúa sang trồng bưởi, nhãn, ổi, táo, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, trên toàn địa bàn huyện Hoài Đức đã phát triển được 158ha trồng ổi Đài Loan, ổi Thái Lan, 110ha trồng táo đại, táo đào… tập trung ở các xã: Kim Chung, Di Trạch, Đức Giang, Đắc Sở, Dương Liễu; Hay vùng nhãn muộn 97ha tại An Thượng, Đông La, Song Phương; vùng bưởi đường 40ha tại Cát Quế, Đông La; cam Canh, phật thủ 95ha tại Đắc Sở, Yên Sở; rau an toàn 71ha ở Tiền Yên...
Tại địa bàn xã Kim Chung, từ năm 2015, nhiều xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp Đoàn kết đã chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ổi và táo. Ông Nguyễn Đắc Ý, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đoàn kết cho biết: "Toàn xã có tổng diện tích 34,34ha trồng ổi Đài Loan, ổi Thái Lan chiếm 27ha và táo đại, táo đào... Nhằm nâng cao chất lượng cây trồng, người dân đã chủ động học hỏi, tìm hiểu, áp dụng kỹ thuật trong quá trình chăm sóc nên ổi, táo đều ngọt, cùi dày, giòn... được người tiêu dùng ưa chuộng".
Ông Nguyễn Văn Mạnh, một trong số nhiều hộ dân đang sinh sống tại xã Kim Chung đã mạnh dạn thuê tới 4ha đất nông nghiệp của các thôn Yên Vĩnh, Đại Tự để trồng ổi. Theo ông Mạnh, ổi là loại cây ăn quả ngắn ngày, cho thu hoạch quanh năm, có tiềm năng phát triển ở vùng đồng. Trang trại trồng ổi của gia đình ông Mạnh cho giá trị thu nhập khoảng 400 - 500 triệu đồng/ha/năm.
Ngoài việc mở rộng diện tích trồng cây ăn quả cho năng suất và giá trị cao, những năm gần đây, huyện Hoài Đức còn phát triển sản xuất hoa lan trên diện tích 2ha tại xã Đông La và An Thượng. Lan được trồng bằng giống nuôi cấy mô, giúp các hộ sản xuất nâng cao kỹ thuật trồng công nghiệp, thay thế dần hoa lan rừng, cho cây giống khỏe, phát triển tốt, thu nhập hơn 250 triệu đồng/sào. Hoa lan Đông La đang được nhiều người dân Hà Nội và một số tỉnh lân cận ưa chuộng…
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh cho biết: “Trong năm 2020, Hoài Đức tiếp tục tập trung phát triển sản xuất chuyên canh theo quy hoạch vùng, gắn sản xuất theo chuỗi giá trị, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tập trung phát triển sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao như hoa, rau, quả an toàn; nâng diện tích cây rau đạt 750ha/vụ, trong đó có 70ha được cấp chứng nhận vùng sản xuất rau an toàn”.
Xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh, hơn chục năm trở lại đây, Hoài Đức đã có trên 1.600ha đất nông nghiệp phải chuyển đổi mục đích sử dụng, đất canh tác nông nghiệp hiện chỉ còn 1.200ha. Do đó, tập trung vào quy hoạch lại sản xuất, khai thác tối đa giá trị đất đai, nâng cao thu nhập cho người dân được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Nhờ vậy, chỉ vài năm trở lại đây, Hoài Đức đã tập trung xây dựng được nhiều mô hình sản xuất hiệu quả kinh tế cao.
Đặc biệt, nhờ chú trọng công tác phối hợp với các Sở, ngành xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nông sản, chú trọng tập huấn kỹ thuật canh tác an toàn, theo quy trình VietGAP cho các hộ sản xuất... nên các sản phẩm nông nghiệp xanh của huyện đã dần xây dựng được thương hiệu của mình. Giá trị thu nhập của nhiều vùng sản xuất được gia tăng rõ rệt, thu nhập của người nông dân cũng tăng từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng/ha canh tác. Các sản phẩm nông sản của huyện đã được tiêu thụ trên khắp cả nước, góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội của huyện cũng như mở rộng cơ hội làm giàu cho nhiều nông dân.
Mặc dù công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trên địa bàn huyện Hoài Đức đạt hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên, việc tiêu thụ nông sản vào một số thời điểm vẫn gặp khó khăn. Đơn cử như sản phẩm rau an toàn của huyện rất khó cạnh tranh với rau xanh trồng truyền thống, bởi giá rau an toàn chưa có sự chênh lệch rõ với các sản phẩm rau bình thường nên chưa khuyến khích được người dân đầu tư vào sản xuất, làm ảnh hưởng đến việc mở rộng diện tích. Mặt khác, nhận thức của một bộ phận nông hộ trên địa bàn huyện không đồng đều, do vậy việc áp dụng tiến bộ khoa học còn hạn chế.
Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tiền Lệ Nguyễn Văn Hào cho biết: Hợp tác xã có truyền thống sản xuất rau lâu đời. Cả thôn có 500 hộ tham gia trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP với 33,5ha đất trồng các loại rau: Cải canh, cải ngọt, cải chíp, rau dền, rau muống...
Từ năm 2007, địa phương xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới với hơn 2,5ha, đồng thời, có kỹ sư về tận địa phương hướng dẫn bà con quy trình kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc. Tất cả các hộ tham gia đều được tập huấn, hướng dẫn quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, kỹ thuật bón phân, tưới tiêu, cách phun thuốc bảo vệ thực vật và thu hoạch sản phẩm đúng cách. Mặc dù đã khẳng định được thương hiệu, người tiêu dùng biết và tin tưởng nhưng trên thực tế lượng rau tiêu thụ hằng ngày vẫn còn rất nhỏ so với sản lượng thu hoạch của nông dân trong vùng.
Để khắc phục tình trạng này, từ thực tế kinh nghiệm tại địa phương, Hoài Đức đã chủ động tập hợp nông dân giỏi để thành lập các hiệp hội ngành nghề trong nông nghiệp như: Hội nhãn chín muộn Hoài Đức, Hội bưởi đường Quế Dương. Đây là những diễn đàn kết nối nông dân giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, cách ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản.
Cùng với đó, huyện Hoài Đức cũng chú trọng ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, quy hoạch và xây dựng các vùng sản xuất có liên kết tiêu thụ để gia tăng giá trị nông sản. Đặc biệt, huyện nghiên cứu xây dựng cơ chế đủ mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực nông nghiệp nhằm giải quyết tốt hơn nữa đầu ra cho nông sản, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững trong tương lai. Nhờ vậy, sản phẩm nông sản của huyện được tiêu thụ rộng khắp cả nước, góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế, xã hội của huyện, làm giàu cho các hộ dân.
Trang thông tin có sự phối hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội