Dropshipping là mô hình kinh doanh khá phổ biến trên thế giới, đặc biệt là các nước Châu Âu và tại thị trường Châu Á, Trung Quốc là quốc gia có mô hình kinh doanh này phát triển vô cùng mạnh mẽ.
![]() |
Mô hình hoạt động của Dropshipping |
Mô hình kinh doanh này hiện tại còn khá mới mẻ tại Việt Nam, nhưng không đồng nghĩa là nó không có cơ hội phát triển tại đây. Thực tế cho thấy, có rất nhiều các dropshipper người Việt Nam rất thành công khi hoạt động trên các sàn giao dịch thương mại điện tử tại nước ngoài. Bản thân mô hình kinh doanh này cũng có rất nhiều lợi thế. Cụ thể:
1. Chi phí kinh doanh thấp.
Bán hàng theo hình thức kinh doanh dropshipping, bạn không phải tính đến chi phí mua hàng, thuê nhà kho, hay thậm chí văn phòng của mình. Công việc của bạn chỉ đơn giản là bạn tìm khách hàng rồi liên hệ với người bán hàng.
2. Không lo lắng hàng tồn kho
Với dropshipping, công việc của bạn không hề liên quan đến việc: đóng gói và vận chuyển, theo dõi hàng tồn kho. Bạn cũng không phải quá lo lắng về vấn đề tồn đọng vốn.
3. Mở rộng quy mô một cách dễ dàng không gò bó vào không gian làm việc
Một doanh nghiệp dropshipping có thể di chuyển đến bất kỳ đâu với một thiết bị kết nối Internet. Miễn là bạn có thể liên lạc với người bán và khách hàng của mình một cách dễ dàng và nhanh chóng.
Có nhiều lợi thế nhưng mặt khác, kinh doanh dropshipping còn khá nhiều những nhược điểm mà phải đau đầu để tìm cách khắc phục:
1. Không trực tiếp tiếp xúc với sản phẩm:
Bạn làm việc trực tiếp với khách hàng, nhưng đóng gói và vận chuyển lại là người bán. Điều này đồng nghĩa với việc bạn không thể kiểm soát được chất lượng của sản phẩm, việc hàng có còn trong kho hay không. Vì vậy, lựa chọn đối tác chất lượng cao, uy tín là điều không hề dễ dàng đối với những người mới bắt đầu công việc kinh doanh này.
2. Vận chuyển phức tạp
![]() |
Dropshipping là mô hình kinh doanh phổ biến trên thế giới |
Nếu bạn làm việc với nhiều nhà cung cấp các sản phẩm trên website của bạn sẽ được lấy ở những nhà cung cấp khác nhau – điều này làm cho công tác vận chuyển của bạn thêm phức tạp hơn.
Tại sao mô hình này lại khó phát triển ở Việt Nam?
Đơn hàng dropshipping phức tạp hơn so với đơn hàng online thông thường. Nó đòi hỏi yếu tố công nghệ, kết nối và đồng bộ dữ liệu giữa nền tảng mà người bán sỉ sử dụng và nền tảng mà người bán lẻ đang kinh doanh. Một người bán hàng thông thường, khi bán hàng từ nguồn hàng Trung Quốc, đang phải mất ít nhất 5 loại chi phí để hàng có thể đến được tay người dùng. Còn tại thị trường Việt Nam, có rất ít nhà cung cấp nào chấp nhận hình thức kinh doanh dropshipping với nhiều chi phí và thủ tục quá phức tạp như vậy.
Ngoài ra, ở thị trường Trung Quốc và Âu – Mỹ, người mua phải thanh toán đơn hàng trước khi người bán tiếp nhận thông tin. Ngược lại, tại Việt Nam còn bị phụ thuộc khá lớn vào phương thức giao hàng – trả tiền (COD). Người Việt Nam với tâm lý "ăn chắc, mặc bền" khó có thể bỏ qua được bước kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi phải bỏ tiền ra mua sản phẩm đó. Phương thức COD có thể gây ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh lợi nhuận từ mô hình dropshipping.
Bên cạnh đó, mức chi tiêu online của người tiêu dùng Việt khá thấp. Mô hình lợi nhuận của dropshipping dựa trên sự chênh lệch giữa giá bán lẻ và giá dropshipping, vì vậy ấn định mức giá cao nhưng phù hợp với nhu cầu của người mua thì tỉ lệ lợi nhuận tốt hơn. Tuy nhiên, người Việt Nam chưa sẵn lòng chi trả quá cao cho hàng hóa trên kênh online, nên bạn không thể đặt giá quá cao.
Có thể thấy mô hình dropshipping tại Việt Nam đang vấp phải khá nhiều rào cản. Nhưng đây vẫn đang là mô hình kinh doanh phổ biến trên thế giới, đáng để các nhà kinh doanh online trong nước học hỏi. Việc cần làm ngay trước mắt đó là tìm cách khắc phục được những bất lợi tại thị trường trong nước, tạo điều kiện thuận lợi để sớm nhân rộng mô hình kinh doanh nhiều ưu điểm này.