![]() |
Talkshow trực tuyến về vấn đề nhân lực khởi nghiệp với sự tham dự 3 vị diễn giả hàng đầu |
Tọa đàm trực tuyến diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2020 “Thanh niên khởi nghiệp cùng đất nước vượt qua thách thức” (27/11 @Grand Plaza) và Chung kết Cuộc thi Đổi mới sáng tạo VinaCapital Ventures VietChallenge (V3) (13:30 25/11 @NCC).
Buổi talshow được livestream trên các kênh Mạng xã hội của Trung ương Đoàn, TW Hội Liên hiệp thanh niên, Thành đoàn Hà Nội... với chủ đề “Nguồn nhân lực chất lượng cao - yếu tố then chốt để thanh niên khởi nghiệp đóng góp vào nền kinh tế” với sự góp mặt của 3 vị diễn giả hàng đầu đã mang lại nhiều góc nhìn về thị trường sáng lập viên startups/thị trường lao động chất lượng cao từ góc độ các Tập đoàn công nghệ đa quốc gia, các Ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam, các startups nói riêng cũng như cộng đồng doanh nghiệp nói chung. 3 vị khách mời này là ông Bùi Minh Hải (Giám đốc dự án Techcombank, Cố vấn của Trekkrs.asia, VCCE và GCV Vietnam); ông Nguyễn Thành Nhân (ex Google & CEO Kalapa) và ông Trần Trung Hiếu (CEO TopCV).
Trong buổi Talkshow, các vị khách mời đã lần lượt chia sẻ những quan điểm, cái nhìn về vấn đề nhân lực ở Việt Nam, đồng thời cũng đưa ra những chia sẻ về cách khắc phục những vấn đề nhân lực ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Nhân lực cần làm gì trong thời đại chuyển đổi số
Theo chia sẻ của ông Bùi Minh Hải, một người vừa có kinh nghiệm thực chiến trong các doanh nghiệp lớn, vừa là cố vấn cho một số start-ups, “trong thời đại chuyển đổi số, ngoài những năng lực chuyên môn, đội ngũ nhân lực cũng cần có những góc nhìn mới, nâng cao hơn nữa năng lực của bản thân để phù hợp với sự thay đổi của thời đại”.
Còn theo CEO Trần Trung Hiếu, chuyên gia xử lý các vấn đề liên quan đến nhân sự lại thẳng thắn cho rằng "Nhu cầu của các doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng nhân sự đặc biệt là nhân sự trẻ đang gia tăng rất nhanh, đặc biệt là sau thời gian giãn cách xã hội. Tuy nhiên, phần lớn các bạn trẻ chưa thích ứng được sự thay đổi, như chưa quen làm việc online, chưa quản lý tốt hiệu suất làm việc,... Vì thế, các bạn trẻ không chỉ cần thích ứng nhanh mà cần học nhiều hơn những thứ mới, những thứ gắn liền với công nghệ. Đây là bệ phóng để trong tương lai, các bạn trẻ sẽ có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn".
Quan điểm về chất lượng nhân sự đầu vào
Có sự đồng nhất trong quan điểm về chất lượng nhân sự đầu vào giữa một người là start-up (ông Trần Trung Hiếu) và một người làm trong một doanh nghiệp lớn (ông Bùi Minh Hải).
Đề cập đến chất lượng nhân sự đầu vào, ông Bùi Minh Hải cho rằng ngoài những am hiểu chuyên môn chính thì nhân lực cần trau dồi những kỹ năng mềm. Và nhân sự phải được rà soát và đánh giá năng lực thường xuyên. Điều này giúp cho các nhân sự phải luôn luôn bồi đắp kiến thức, tích lũy kinh nghiệm và có trách nhiệm hơn với công việc của mình, Về vấn đề này, ông Bùi Minh Hải cũng có những chia sẻ đối với yêu cầu tuyển dụng nhân sự của Techcombank "Ngoài những kỹ năng chuyên môn thì cũng cần có năng lực phân tích, trình bày thông tin dữ liệu, năng lực về quản lý dự án hay giải quyết các vấn đề...".
Đối với CEO Hiếu, ông khẳng định rằng yêu cầu đầu tiên trong tuyển dụng nhân sự đầu vào phải là thái độ tốt, tinh thần học hỏi và tinh thần cầu thị, sẵn sàng tiếp thu để thay đổi... Điều thứ 2 ông cho rằng, tư duy giải quyết vấn đề được đánh giá cao. Bởi khi gặp một bài toán khó, hay một vấn đề lần đầu tiên xuất hiện, người không biết tư duy giải quyết vấn đề sẽ rất khó để đưa ra một giải pháp tốt. Và điều thứ 3 là năng lực chuyên môn.
Muốn khởi nghiệp, nhân lực cần phải làm những gì?
Con đường đi đến thành công không có công thức chung, và khởi nghiệp là sự kết hợp của rất nhiều yếu tố. Trong đó yếu tố chính là nỗ lực của bản thân, thêm vào đó là năng lực chuyên môn, sự may mắn và nhiều thứ khác. Quan điểm của ông Bùi Minh Hải là một cá nhân bắt đầu ý tưởng khởi nghiêp luôn phải đặt ra những mục tiêu lớn nhưng cũng cần có những bước đi cụ thể nhỏ. Thực hiện dần dần những bước nhỏ đó để tiến tới thành công ở mục tiêu lớn.
Tuy nhiên, đối với vấn đề khởi nghiệp, CEO Trần Trung Hiếu khẳng định ý tưởng là rất quan trọng trong khởi nghiệp nhưng đích đến của ý tưởng là một doanh nghiệp. Mà đích đến của một doanh nghiệp lại là doanh thu và lợi nhuận, nếu không sẽ trở thành doanh nghiệp xã hội. Theo ông Hiếu, "muốn làm chủ trước hết phải học làm nhân viên". Nên làm nhân viên để trải nghiệm môi trường xung quanh, để tích lũy những kinh nghiệm chuyên môn, kinh nghiệm quản lý... Khởi nghiệp đòi hỏi sự tích lũy tài chính, kinh nghiệm quản lý và quan trọng hơn, khởi nghiệp cần có khát vọng, đam mê và những người đồng đội. Và ông chia sẻ rằng, nguyên tắc vàng trong khởi nghiệp là "một khi đã đam mê thì hãy cứ bắt đầu".
Các nguồn nhân lực được tìm kiếm
Nhắc đến vấn đề tìm kiếm nguồn nhân lực, ông Bùi Minh Hải cho hay, nguồn nhân lực là những người có kinh nghiệm, có năng lực đã được khẳng định, hoặc những người mới vừa ra trường có thành tích học tập tốt, thêm và đó còn tìm kiếm cả nguồn lực ở nước ngoài.
Về phía CEO Nguyễn Thành Nhân, người có nhiều năm học tập và làm việc tại nước ngoài, đặc biệt là làm việc tại Google, ông cho rằng "các bạn trẻ khi vừa mới ra trường nên đi làm ở những công ty lớn, như Techcombank hay FPT vì họ có chường trình đào tạo bài bản. Sau khi bạn đã được đào tạo ở những công ty đầu ngành, thì đi dần xuống những công ty nhỏ hơn. Lúc này bạn đã có kinh nghiệm, và tốc độ chạy nhanh hơn”. Ông Thành Nhân cũng chia sẻ rất nhiều những kinh nghiệm việc làm cho những du học sinh ở nước ngoài về nước.
Sau khi ông Trần Quang Hưng đưa ra câu hỏi: "Nếu có cơ hội hỏi thủ tướng một câu để môi trường nguồn nhân lực Việt Nam tốt hơn và hậu thuẫn cho hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ hơn những năm tới, anh sẽ hỏi gì?"
Ông Thành Nhân thẳng thắn trả lời: "Chính phủ sẽ giúp gì cho làn sóng du học sinh Việt từ nước ngoài trở về?" Ông nhận xét rằng ngày nay, Việt Nam là một trong những đất nước phát triển mạnh nên cơ hội cho các bạn trẻ rất nhiều. Cũng giống như Trung Quốc trong những năm 2000, tại Việt Nam hiện tại, làn sóng du học sinh trở về đã bắt đầu. Ông hi vọng chính phủ sẽ có những chính sách hỗ trợ để người Việt từ nước ngoài về sẽ dễ dàng phát triển hơn.
Buổi talkshow đã cho mọi người những chia sẻ, quan điểm, góc nhìn về nhân lực của các vị diễn giả có kinh nghiệm thực chiến khởi nghiệp phong phú. Talkshow này mang lại cho những người trẻ những góc nhìn đa chiều về yếu tố nhân lực, con người. Đây cũng là cơ hội giúp những nhà khởi nghiệp trẻ có thêm niềm tin, động lực để bắt đầu ước mơ của mình.