Sau 15 ngày được chỉ định, ông Nguyễn Nhân Chinh – cựu Bí thư Thành uỷ Bắc Ninh đã rời vị trí và được điều động, bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh này.
Người thay thế vị trí Bí thư Thành ủy Bắc Ninh là ông Tạ Đăng Đoan, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bắc Ninh. Trước đó, sự điều động, chỉ định nhân sự chóng vánh này khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều. Sau đó, Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu cấp có thẩm quyền tỉnh Bắc Ninh phải bám sát các quy định, phân tích đánh giá kỹ lưỡng, thực hiện trách nhiệm nêu gương, nhất là của người đứng đầu trong bố trí cán bộ.
Ông Nguyễn Nhân Chinh (thứ hai từ phải qua) nhận quyết định giữ chức Bí thư Thành ủy Bắc Ninh. Ảnh: Tỉnh đoàn Bắc Ninh. |
Nghiêm túc tự kiểm điểm
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đánh giá, việc điều động ông Nguyễn Nhân Chinh thôi làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh sang làm Phó Giám đốc Sở là động thái cầu thị, được dư luận ủng hộ.
Song cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua, đã có 3 người được bầu và chỉ định giữ chức Bí thư Thành ủy Bắc Ninh, ngoài ông Nguyễn Nhân Chinh còn có các ông Vương Quốc Tuấn, Tạ Đăng Đoan. Như vậy cần phải xem lại liệu có đúng quy định trong Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng?
“Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng đã có những chỉ dẫn rất rõ thì lẽ ra công tác cán bộ phải được tính toán kỹ lưỡng để chọn đúng người, đúng việc. Nhưng tại sao ở một địa phương sát với Trung ương như vậy mà để xảy ra việc này là điều đáng tiếc, nên phải nghiêm khắc tự kiểm điểm” – ông Vũ Quốc Hùng nêu ý kiến.
Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Tỉnh ủy Bắc Ninh cần xem lại quy trình chỉ định ông Nguyễn Nhân Chinh làm Bí thư Thành ủy Bắc Ninh xem có sơ suất gì không. Vì sao chọn ông Chinh giữ chức vụ này? Có bao nhiêu người được xem xét lựa chọn để chỉ định giữ chức Bí thư Thành ủy Bắc Ninh? Nếu có 2 ứng cử viên của vị trí Bí thư Thành ủy đều xuất sắc ngang nhau thì nên chọn người không phải là con ông Bí thư thì tâm lý xã hội sẽ nhìn nhận khách quan hơn.
Ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. (ảnh: KT) |
“Phải kiểm tra Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã chuẩn bị nhân sự thế nào, Ban Thường vụ tại sao lại thống nhất như thế? Có phải do nể nang? Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ trong lựa chọn cán bộ được thực hiện ra sao?”– ông Hùng đặt câu hỏi và nhấn mạnh, vụ việc ở Bắc Ninh cũng là bài học kinh nghiệm cho các địa phương khác trong công tác chuẩn bị nhân sự trước thềm Đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở tiến tới Đại hội 13 của Đảng.
Vụ việc ở Bắc Ninh là bài học cho các địa phương
Hoan nghênh quyết tâm chính trị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh đã có quyết định điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Nhân Chinh giữ chức Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh này sau khi có ý kiến của Ban Tổ chức Trung ương, TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, đây là việc làm thể hiện tinh thần cầu thị, lắng nghe của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh. Song, địa phương này cũng cần phải nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong tham mưu, chỉ định nhân sự.
Theo ông Hoàng Ngọc Vinh, lựa chọn được một đội ngũ công bộc của dân vừa có đức, vừa có tài luôn là mong muốn của toàn thể nhân dân ta. Do đó, công tác này phải được tiến hành từng bước, chắc chắn, thận trọng, chặt chẽ, đúng quy trình, tiêu chuẩn, điều kiện; bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, tránh tình trạng đúng quy trình nhưng không chọn đúng người, đúng việc.
Trong bối cảnh hiện nay, các địa phương đang chuẩn bị công tác nhân sự phục vụ Đại hội Đảng các cấp, để tránh việc chọn nhầm cán bộ, theo ông Hoàng Ngọc Vinh, các địa phương cần tuân thủ các quy định của Trung ương về công tác nhân sự, tổ chức Đại hội. Bên cạnh đó, cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương, nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống đề bạt, bổ nhiệm, bố trí cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định, nhất là đối với người nhà, người thân.
Để lựa chọn “đúng và trúng” cán bộ thì việc nhận xét, đánh giá cán bộ phải đa chiều, lấy hiệu quả công việc cụ thể làm thước đo chủ yếu, cùng với sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
“Việc đánh giá cán bộ không chỉ dựa vào hồ sơ, lý lịch, bằng cấp, mà phải dựa vào hiệu quả công việc đã được thực tiễn kiểm nghiệm. Chỉ có như vậy, chúng ta mới lựa chọn được đúng người để bố trí đúng việc” - ông Hoàng Ngọc Vinh nêu ý kiến./.