Vừa qua, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng phối hợp với Trường ĐH Ngoại thương và Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia về Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng Việt Nam lần thứ 2 (CLSCM-2022) với chủ đề “Giải pháp phát triển Logistics và Chuỗi cung ứng bền vững của Việt Nam”.
Theo đó, hội thảo CLSCM-2022 được tổ chức nhằm tạo ra không gian kết nối, chia sẻ và thảo luận thường niên các chủ đề trong lĩnh vực Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, từ đó tăng cường trao đổi, hợp tác nghiên cứu khoa học hàn lâm và ứng dụng giữa các nhà khoa học, nhà quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp…
![]() |
PGS.TS Võ Thị Thúy Anh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng đánh giá các thế mạnh phát triển logistics của Việt Nam và Vùng KTTĐ miền Trung (Ảnh Út Vũ) |
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Võ Thị Thúy Anh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) nhấn mạnh “Việt Nam được đánh giá là có thế mạnh rất thuận lợi để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ logistics. Chính phủ Việt Nam cũng xác định logistics là ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, hỗ trợ kết nối và thúc đẩy phát triển KT-XH của cả nước cũng như từng địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”.
Hội thảo có sự hiện diện của hàng trăm chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường Đại học, Hiệp hội trên cả nước với gần 40 bài tham luận. Trong đó, diễn đàn trao đổi kiến thức và kinh nghiệm của các học giả về các chủ đề: Lý luận về chuỗi cung ứng và phát triển chuỗi cung ứng bền vững; đo lường hiệu quả chuỗi cung ứng; Sự dịch chuyển chuỗi cung ứng sau các biến động kinh tế toàn cầu; phát triển bền vững các chuỗi cung ứng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; Ứng dụng công nghệ 4.0 phát triển hoạt động logistics và tối ưu hóa chuỗi cung ứng; phát triển bền vững hệ thống cơ sở hạ tầng logistics Việt Nam.
![]() |
Tại hội thảo, các chuyên gia và nhà khoa học, diễn giả đã đưa ra các giải pháp phát triển logistics và chuỗi cung ứng bền vững của Việt Nam (Ảnh Út Vũ) |
Bên cạnh đó, tăng cường hội nhập kinh tế, xây dựng thương hiệu và thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp logistics và quản lý chuỗi cung ứng; phát triển nguồn nhân lực logistics chất lượng cao đáp ứng ngành logistics trong bối cảnh mới; kinh nghiệm của các nước về chuỗi cung ứng xanh và bài học cho Việt Nam; giải pháp và chính sách đặc thù hỗ trợ và thúc đẩy phát triển logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung.
![]() |
Trưng bày các Dự án và giải pháp phát triển phát triển logistics và chuỗi cung ứng bền vững bằng ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ 4.0 (Ảnh Đ.Minh) |
Ngoài ra, hội thảo cũng nêu các giải pháp phát triển logistics miền Trung, về phát triển nhân lực lĩnh vực này cần phát huy hiệu quả hoạt động đào tạo tại chỗ, đẩy mạnh đào tạo ngành logistics tại các trường đại học ở miền Trung để cung ứng nhân lực tại nguồn. Đồng thời, có chính sách thu hút nguồn nhân lực logistics chất lượng cao từ các thành phố lớn về làm việc tại địa phương.
![]() |
Đà Nẵng đang trở thành trung tâm cung cấp nguồn nhân lực logistics sau đào tạo và là “cái nôi” phát triển của các doanh nghiệp logistics trong khu vực (Nguồn mt.gov.vn) |
Được biết, theo báo cáo “Vai trò của Đà Nẵng trong phát triển hệ thống logistics tại Vùng KTTĐ miền Trung và Tây Nguyên” thống kê đến tháng 4/2022, Đà Nẵng hiện có 1.056 doanh nghiệp tham gia cung ứng các hoạt động liên quan đến dịch vụ logistics.
Đặc biệt có 16 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics tích hợp hoạt động tại Đà Nẵng, thành phố cũng đứng thứ 6 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố tập trung nhiều doanh nghiệp logistics của cả nước (sau TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương và Đồng Nai).