Làm rõ tiến độ thanh tra
Trước tình hình vi phạm hồ chứa nước Đại Lải, từ ngày 14-18.2.2020, Tổng cục Thủy lợi đã thành lập Đoàn kiểm tra đột xuất các hoạt động trong phạm vi bảo vệ hồ Đại Lải và ban hành Kết luận số 253/KL-TCTL-PCTTr.
Trong đó, kiến nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các cơ quan, địa phương có liên quan yêu cầu dừng ngay các hoạt động thi công đào đất, san lấp tạo mặt bằng trong lòng hồ, rà soát và có giải pháp khắc phục tình trạng lấn chiếm đất đai... Báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) trước ngày 30.3.2020.

Tuy nhiên trả lời Báo Lao Động, ông Phan Tuệ Minh – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã có quyết định giao Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra hiện trạng hồ Đại Lải.
“Đến thời điểm hiện tại, gần 2 tháng nhưng chưa có kết luận, thông tin chính thức về vụ việc. Đoàn thanh tra sẽ làm việc cụ thể với cá nhân và tổ chức liên quan, xác định hành vi vi phạm, lập biên bản vi phạm và ra quyết định xử lý vi phạm. Muốn xử lý được những vi phạm thì phải lập hồ sơ vi phạm đó”, ông Minh cho hay.
Trước sự vào cuộc quyết liệt của Tổng cục Thủy lợi và hoạt động thanh tra có phần "bình tĩnh" của đoàn kiểm tra liên ngành do tỉnh Vĩnh Phúc thành lập, bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng cần làm rõ tiến độ thanh tra:
"Hồ Đại Lại vô cùng quý, quý cả về mặt thủy lợi, cả về sinh thái... Chúng ta phải biết, hồ Đại Lải do nhà nước quản lý, nhưng phải lấy mục đích phục vụ người dân làm chính.
Chúng ta cần làm rõ tiến độ thanh tra của tỉnh Vĩnh Phúc. Để xảy ra sai phạm, tại sao các tổ thanh tra lại muộn như vậy không báo cáo, lý do gì, tại ai, làm rõ trách nhiệm ra".
Bên cạnh đó, Đại biểu Bùi Thị An cũng cho rằng, những sai phạm như lấn chiếm, san nền, kè bờ... làm lòng hồ hẹp lại, trữ lượng nước ít đi sẽ ảnh hưởng đến sinh thái, sự phát triển của Vĩnh Phúc.
"Nếu không giải quyết dứt điểm, một hồ quý như Đại Lải sẽ không thể khôi phục được nữa, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển bền vững của trước hết là Vĩnh Phúc, sau đó là của đất nước", bà An nói.
Xử lý nghiêm, khôi phục nguyên trạng hồ
Trước những sai phạm nghiêm trọng, đe dọa hành lang an toàn hồ thủy lợi Đại Lải, Đại biểu Bùi Thị An cho rằng, cần phải xử lý nghiêm những cá nhân, đơn vị vi phạm và khôi phục nguyên trạng cho hồ:
"Theo tôi trách nhiệm đầu tiên là của UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Tôi đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhanh chóng vào cuộc, kiểm tra, rà soát, báo cáo và công khai minh bạch tất cả những sai phạm ngay.
Ai sai phạm, sai phạm thế nào, sai phạm đến đâu và có chế tài xử lý ngay lập tức, đề nghị xử lý thật nghiêm, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Làm rõ vai trò, trách nhiệm của xã, của thành phố, của tỉnh. Vì đây là vấn đề lớn, để tiếp diễn dân sẽ mất lòng tin".

Cũng theo bà An, đây là hành vi vi phạm pháp luật, thời gian vi phạm khá dài: "Một là công tác thanh kiểm tra còn kém, hai là chế tài xử lý chưa nghiêm minh nên để tình trạng diễn ra như vậy. Đề nghị làm đúng theo luật pháp, nếu làm sai dứt khoát phải khôi phục nguyên trạng hồ, để hồ phát huy đúng chức năng", bà An nói.
Sau nhiều lần đặt lịch và liên hệ làm việc với UBND tỉnh Vĩnh Phúc và UBND thành phố Phúc Yên nhưng chưa được tiếp, PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với ông Phan Tiến Dũng, Chủ tịch UBND thành phố Phúc Yên.
Qua điện thoại, ông Dũng cho biết vì phải họp rất bận nên không thể tiếp báo chí và lịch trực của những người phụ trách khác cũng đã được phân từ đầu tuần nên không nhớ, đề nghị PV đặt lịch với văn phòng và chờ đợi theo đúng trình tự thủ tục.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố Phúc Yên cũng cho biết, tỉnh Vĩnh Phúc đang cho thanh tra, kiểm tra và khẳng định "sai đâu xử lý đấy".