Một buổi chiều, bạn đi làm về đến cổng chung cư, thì bất ngờ thấy tường rào dựng lên, nhân viên y tế đến đo thân nhiệt và cán bộ phường hỏi thông tin căn hộ, rồi nhắc nhở bạn về nhà, tạm thời ở yên một chỗ. Nơi bạn ở đã có ca dương tính SARS-CoV-2.
Hoảng loạn cũng chẳng làm được gì
Tôi đã rơi vào tình thế như vậy nhưng mọi thứ nằm trong sự chuẩn bị. Ngay từ đầu mùa dịch, tôi luôn trấn an vợ con và bạn bè rằng bất cứ lúc nào, nơi chúng ta ở cũng có thể bị cách ly. Càng hiểu về cơ chế lây nhiễm và hình thức phòng chống dịch bệnh của cơ quan chức năng, chúng ta cần phải sắp xếp tốt nhất cho tình huống đó. Không phải để vơ vét tích trữ hay hoảng sợ, mà là để sẵn sàng tiếp cận vấn đề với một tâm thế, lối sống khác, bình thản và có trách nhiệm.
Cuộc sống diễn ra bình thường cho đến một buổi chiều, fanpage của chung cư xôn xao về một trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 mới từ Mỹ về. Mọi người chia sẻ một văn bản của công an quận chỉ đạo cho công an phường phối hợp với cơ quan chức năng y tế đến căn hộ có người bệnh thu thập thông tin và tổ chức phong tỏa. Phản ứng đầu tiên có thể thấy được, đó là một số người đã xếp đồ đạc vào những chiếc vali to tìm đường thoát ra bên ngoài, một số khác thì cự cãi với ban quản lý và bảo vệ chung cư về chuyện đi ra đi vào bị kiểm soát, nhiều người khác nữa thì lo xuống siêu thị bên dưới mua nhu yếu phẩm...
Nhưng một điều làm cho tôi thấy dễ chịu là ở góc công viên nhìn ra một mặt hồ, những cư dân lớn tuổi vẫn tập thể dục và hóng gió. Vài bà giúp việc dẫn bọn nhỏ đi dạo tụm năm tụm ba "tám" chuyện (dĩ nhiên, chủ đề của cuộc tám chiều nay thì dễ đoán thôi!). Một vài phụ huynh vẫn tập cho bọn trẻ đạp xe, trượt scotter... ở các con đường nội khu. Vẫn có người bình thản ngồi đọc sách trên ghế đá. Hẳn trong số họ, nhiều người dự cảm được, rồi chỉ trong vài tiếng nữa, cuộc sống chung sẽ đảo lộn nhưng hoảng loạn thì được gì ngoài việc gây rối cho bản thân và cộng đồng.
Xác định ca nhiễm Covid-19 thứ 48, phong tỏa chung cư Hòa Bình ở TP HCM (ảnh mang tính minh họa)
Điềm tĩnh và trách nhiệm
Trong đời sống chung cư giữa đô thị hiện đại, sự liên đới giữa những cá nhân không đồng nhất được ràng buộc bởi những quy định và thỏa ước chung để duy trì lề lối và sự ổn định. Nhưng cho dù các bảng quy định cư dân có chặt chẽ đến mức nào, thì trong những tình huống như thế này, đòi hỏi lớn nhất là sự điềm tĩnh để hành động mỗi người được dẫn dắt bởi nhận thức liên đới trách nhiệm với cộng đồng.
Gần đây, tôi đã đọc một bài báo của chị Việt kiều ở Đan Mạch chia sẻ suy nghĩ về trải nghiệm "cách ly cộng đồng" trong đại dịch Covid-19. Chị kể rằng gia đình chị đã thống nhất với nhau tự cách ly không di chuyển và tiếp xúc nhiều trong thời gian dịch bệnh lây lan để chính mình không trở thành nguồn lây nhiễm cho người già trong khu dân cư; sẵn sàng chăm sóc nhau nếu vợ hoặc chồng không may mắc bệnh, để nhường suất chăm sóc y tế cho những người già, người bệnh nặng hơn.
Tính liên đới trách nhiệm trong khi hoạn nạn ở những không gian sống văn minh chung là như thế. Để thấy rằng, trong bài phát biểu đầy xúc động mới đây nhất, mà bà thủ tướng Đức Angela Merkel gửi cho công dân nước mình, đã nhiều lần nhấn mạnh từ "sống chung", "những người sống chung bên nhau"...
Những ứng xử vị kỷ và hoảng loạn sẽ phá hủy chính không gian mình đang sống. Trải nghiệm cách ly một chung cư phóng chiếu rộng hơn, là nhận thức của một người sống chung trong một khu phố, một cộng đồng, một quốc gia và một thế giới.