Như báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, từ ngày ngày 17/3, một số đối tượng đã phá cổng và đánh đuổi các cán bộ, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Nước sạch Phượng Hoàng (Nhà máy nước sạch Phượng Hoàng, xã An Phượng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) ra khỏi nhà máy. Từ đó đến nay, nhà máy này vẫn do một số đối tượng này chiếm giữ.

Theo ông Nguyễn Danh Lĩnh, Công ty TNHH MTV Nước sạch Phượng Hoàng, trong suốt nhiều tháng trước khi nhà máy bị chiếm, gia đình ông và một số cán bộ của nhà máy đã bị một số đối tượng thường xuyên đến nhà khủng bố tinh thần bằng cách kéo loa, đánh trống, phát nhạc đám ma. Sự việc này kéo dài trong suốt một thời gian dài khiến cho bản thân và gia đình các cán bộ, nhân viên trong nhà máy hết sức hoang mang, lo lắng.
Bà Phạm Thị Mây, Chủ tịch UBND xã An Phượng xác nhận có việc một số đối tượng đánh trống, phát nhạc đám ma để “khủng bố” người dân. Thậm chí, một nhóm đối tượng này thường xuyên kéo loa đến trụ sở UBND xã để “khủng bố” cả chính quyền địa phương. Bản thân bà Mây công tác ở nơi khác mới được các cơ quan chức năng phân công nhiệm vụ về xã An Phượng cũng bị các đối tượng này lăng mạ, chửi bới.
Theo bà Mây, từ tháng 7/2019, nhà máy nước Phượng Hoàng thực hiện bán nước cho người dân theo đơn giá mới do UBND tỉnh quyết định. Tuy nhiên, nhóm đối tượng này không chấp nhận đơn giá mới và cho rằng đây là tải sản của các đối tượng này, của nhân dân nên thu thế là không đúng. Đồng thời, nhóm đối tượng này yêu cầu phải bàn giao nhà máy cho dân để tự quản lý, vận hành.
Phía nhà máy nước sạch An Phượng thường xuyên đề nghị phía chính quyền vận động người dân nộp tiền nước. Chính quyền địa phương từ xã đến huyện đã thành lập nhiều tổ tuyên truyền, vận động cả trực tiếp và qua các phương tiện thông tin đại chúng nhưng không đạt kết quả. Một số người nộp tiền nước cho nhà máy bị các đối tượng này đến tận nhà để đe dọa, đánh trống, phát nhạc hạ huyệt đám ma khiến cho người dân không dám nộp.
Do nhiều tháng không thu được tiền, đến chiều 13/3, Nhà máy nước sạch Phượng Hoàng thông báo giảm 50% sản lượng nước. Từ đó dẫn đến việc một số người dân kêu mất nước. Nhóm đối tượng này đã kích động người dân và xảy ra sự việc chiếm giữ nhà máy nước.
Bà Mây cũng đề nghị chính quyền các cấp sớm giải quyết dứt điểm vụ việc theo hướng những việc có lợi cho dân thì phải vận dụng tối đa để đảm bảo cho người dân. Đồng thời người dân cần tỉnh táo tránh bị kích động và đề nghị đóng tiền nước cho nhà máy để vận hành đúng quy định.
Theo kết luận Thanh tra của UBND tỉnh Hải Dương ngày 3/2/2020, từ những năm 2000, UBND tỉnh Hải Dương đầu tư xây dựng nhà máy nước sạch Phượng Hoàng với số tiền gần 2 tỷ đồng.
Trong đó, ngân sách Nhà nước cấp theo Chương trình Quốc gia và vệ sinh môi trường nông thôn là 980 triệu đồng; nguồn vốn của xã hơn 100 triệu đồng; UBND xã đã huy động của mỗi hộ dân 400 nghìn đồng với tổng số tiền hơn 780 triệu đồng.
Theo điều tra của phóng viên, đây chính là mấu chốt của việc một số người dân cho rằng đây là nhà máy nước của người dân và yêu cầu phải bàn giao cho người dân quản lý, vận hành.
Tuy nhiên, sau khi đầu tư xong, việc vận hành nhà máy gặp nhiều khó khăn, không thể vận hành, chính quyền xã đã bàn giao cho Công ty nước sạch Phượng Hoàng để tiếp tục quản lý, vận hành.
Theo ông Nguyễn Danh Lĩnh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nước sạch Phượng Hoàng khi được bàn giao, các thiết bị của nhà máy đã cơ bản xuống cấp không sử dụng được. Công ty đã đầu tư hơn 1,4 tỷ đồng vào nhà máy để tiếp tục vận hành. Số tiền này đã được xã nghiệm thu và UBND tỉnh xác nhận trong kết luận thanh tra.
Để làm rõ sự vụ việc này, phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND huyện Thanh Hà và sẽ thông tin đến bạn đọc trong những bài tiếp theo…