
Chính phủ Campuchia tuyên bố ngưng các dự án thủy điện trên dòng Mekong từ nay đến năm 2030. Ảnh: Reuters
Theo đó, động thái tích cực từ chính phủ Campuchia hôm 18/3 cũng được đông đảo các nhà hoạt động môi trường hoan nghênh, nhằm làm giảm bớt những lo ngại về đa dạng sinh học và sinh kế của cộng đồng dân cư vùng hạ lưu sông Mekong. Hai dự án từng được chính phủ Campuchia công bố kế hoạch xây dựng gần nhất là Sambor và Stung Treng cũng nằm trong quyết định này.
Mak Bunthoeurn, điều phối viên dự án của Diễn đàn phi chính phủ ở Campuchia cho biết, trước đó có rất nhiều cộng đồng dân cư sinh sống dọc sông Mekong lo lắng sẽ sớm phải buộc dời bỏ nhà cửa và mất sinh kế nếu kế hoạch phát triển các đập thủy điện được tiến hành.

Có ít nhất 60 triệu người sống phụ thuộc vào tài nguyên của sông Mekong nhưng họ đang ngày càng bị đe dọa bởi sự phát triển của thủy điện. Ảnh: NYT
“Người dân đã thở phào vì vẫn còn sông nước. Nó chính là nguồn sống của họ, cung cấp cá tôm và hệ sinh thái”, ông Bunthoeurn nói đồng thời hy vọng việc dừng tất cả các dự án thủy điện trong 10 năm tới sẽ giúp các nhà hoạt động có thêm thời gian để thuyết phục các giới chức từ bỏ hoàn bộ các dự án xây đập ngăn sông.
Theo Quỹ bảo tồn thiên nhiên quốc tế (WWF), sông Mekong hiện vẫn là nơi tạo ra nghề cá nước ngọt lớn nhất thế giới, kéo dài từ cao nguyên Thanh Tạng xuống biển Đông, đi qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Ước tính trong toàn vùng có ít nhất 60 triệu người dân sinh sống phụ thuộc vào tài nguyên dòng sông có chiều dài hơn 4.350 km này. Tuy nhiên nhiều năm qua, nó ngày càng bị đe dọa do sự phát triển của hàng trăm đập thủy điện lớn nhỏ cùng với những tác động của biến đổi khí hậu và nạn khai thác động vật hoang dã bất hợp pháp.
Ông Victor Jona, tổng giám đốc tập đoàn Năng lượng thuộc Bộ Năng lượng Campuchia, tiết lộ, quyết định ngưng phát triển thủy điện trên dòng Mekong được đưa ra sau khi nhận được tư vấn từ các chuyên gia Nhật Bản.
Quyết định tích cực của Campuchia được đưa ra sau khi Lào vừa tiến hành hai dự án xây đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong trong sáu tháng qua, và là quốc gia duy nhất trong vùng hạ lưu làm việc này.
Marc Goichot, người đứng đầu WWF phụ trách các vấn đề về nước ngọt ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho biết, hành động của Campuchia đã làm gương cho các quốc gia khác.
Ông Goichot mô tả quyết định này là “tin tốt nhất cho một tương lai bền vững của hàng chục triệu người dân vùng hạ lưu cũng như vì sự đa dạng sinh học có một không hai này”.

Học sinh ở tỉnh Kratie (Campuchia) phản đối kế hoạch phát triển thủy điện trên sông Mekong hồi năm 2017. Ảnh: Khmertimes
Trước đó, các nhà khoa học đã công bố nghiên cứu cho thấy, những con đập sẽ làm giảm đáng kể nghề cá nước ngọt tự nhiên và ngăn chặn dòng chảy phù sa, trầm tích, làm đẩy nhanh quá trình nhấn chìm và thu hẹp đồng bằng và đe dọa tương lai của vựa lúa gạo khổng lồ đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam cũng như cộng đồng ngư dân mất đi sinh kế lâu dài.
Các chuyên gia cũng kêu gọi Lào sớm từ bỏ các dự án đập thủy điện trên sông mekong và thay vào đó bằng việc tìm kiếm các nguồn năng lượng mới là mặt trời và gió.