Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh về việc giới thiệu, lựa chọn đại biểu Quốc hội cho nhiệm kỳ tới, cần lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu là ưu tiên hàng đầu, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Đây là vấn đề luôn được quan tâm trong các kỳ bầu cử Quốc hội.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý các cơ quan chức năng phấn đấu giới thiệu, lựa chọn bầu được những người thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm đúng tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý nhưng không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn; Phấn đấu bầu đủ 500 đại biểu Quốc hội và đạt tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách.
Từ thực tiễn đất nước yêu cầu đặt ra đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội cần đáp ứng yêu cầu cao về phẩm chất chính trị, nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng; am hiểu pháp luật và có năng lực xây dựng pháp luật; có trình độ chuyên môn sâu và kiến thức thực tiễn.
GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. |
GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, đại biểu Quốc hội là yếu tố cấu thành Quốc hội, đại biểu chất lượng yếu thì hoạt động của Quốc hội không thể mạnh.
"Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh không vì cơ cấu mà giảm chất lượng. Qua các kỳ bầu cử Quốc hội, sau quá trình đổi mới thì chất lượng Quốc hội là hết sức quan trọng. Bởi hoạt động Quốc hội ngày càng quyết định vấn đề rất trọng đại đất nước. Đặc biệt trong hoạt động lập pháp, những luật mới, tư duy mới, nếu đại biểu không có năng lực, tầm nhìn, không có kiến thức thì khó đưa ra các quyết định đúng đắn" - GS.TS Trần Ngọc Đường nhấn mạnh.
Trong điều kiện, hoàn cảnh cách mạng nào thì tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Đảng về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội luôn được xem trọng, là nhân tố bảo đảm xây dựng cơ quan quyền lực Nhà nước vững mạnh, thực sự đại diện cho nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng.
Vấn đề tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội không chỉ đặt ra cho cơ quan, tổ chức giới thiệu người ra ứng cử mà còn là cơ sở, tiêu chí để cử tri lựa chọn đại biểu và thực hiện quyền chính trị cơ bản của mình.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu, trong khi dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội đang được thảo luận thì yêu cầu đối với Đại biểu Quốc hội càng được nhấn mạnh, đặc biệt tiêu chuẩn đại biểu quốc hội ở “ý thức chính trị”. Theo ông, trong dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội có quy định nhưng quy định không cụ thể. Luật phải thể hiện cho được tinh thần tiếp thu này.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu. |
Về tiêu chuẩn đại biểu, nhất là đại biểu chuyên trách, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ phải có sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng nguồn nhân sự giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội để hoạt động chuyên trách, bảo đảm chất lượng, đảm bảo tính khả thi của Luật.
Theo đại biểu Vũ Trọng Kim, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, cần coi trọng tiêu chuẩn, đặc biệt không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn. Để xây dựng hình ảnh đại đoàn kết trong Quốc hội, đại biểu Vũ Trọng Kim cho rằng, trong cơ cấu, tiêu chuẩn đại biểu phải phản ánh được tinh thần này.
Hơn 70 năm qua, Quốc hội Việt Nam đã khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Với hàng nghìn đại biểu Quốc hội được cử tri, nhân dân cả nước lựa chọn, bầu ra, cử tri và nhân dân kỳ vọng các đại biểu Quốc hội khóa tới không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân.
Đại biểu Quốc hội là những người được nhân dân bầu. Để được nhân dân lựa chọn, những người đó phải thực sự có đức, có tài, đại diện cho nhân dân thực hiện quyền lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước. Do đó, công tác cán bộ, trong đó trọng tâm là tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu quốc hội luôn được quan tâm, là yếu tố then chốt cho thành công của mỗi cuộc bầu cử./.