Sáng nay (20/8), tại trụ sở Chính phủ, Văn phòng Chính phủ tổ chức kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống (28/8/1945-28/8/2020) và Đại hội thi đua yêu nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương dự và phát biểu tại sự kiện.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong văn phòng các cơ quan hành chính nhà nước trong cả nước nhân kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi kỷ niệm |
Ôn lại truyền thống 75 năm qua, Thủ tướng nêu rõ, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù với tên gọi khác nhau, Văn phòng Chính phủ cũng luôn vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, đảm nhận trách nhiệm nặng nề và hết sức vẻ vang là trực tiếp tham mưu giúp việc phục vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan hành chính cao nhất của Nhà nước.
Trong suốt chặng đường lịch sử vẻ vang đó, Văn phòng Chính phủ ngày càng trưởng thành, phát triển và đóng vai trò quan trọng, thiết thực vào những thành quả cách mạng to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Những thành quả đạt được trong thời gian qua là sự tiếp nối truyền thống quý báu được vun đắp bởi nhiều thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng Chính phủ qua các giai đoạn phát triển của đất nước.
Thủ tướng đánh giá, thời gian vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong việc đổi mới nâng cao chất lượng công tác tham mưu, góp phần tích cực vào việc tăng cường hiệu quả hoạt động của Chính phủ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế xã hội của đất nước ta.
Văn phòng Chính phủ đã thực hiện tốt hơn chức năng xây dựng và quản lý chương trình, kế hoạch công tác của Chính phủ của Thủ tướng Chính phủ. Chủ động tham mưu, chỉ đạo cũng như đề xuất tổ chức thực hiện các lĩnh vực quản lý nhà nước, nhất là trong xây dựng thể chế, chính sách chỉ đạo, điều hành các chương trình, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội; thực hiện tốt việc tổ chức bộ máy và cán bộ cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử…
Qua tham mưu của Văn phòng Chính phủ, Chính phủ đã không ngừng đổi mới cách làm việc, xây dựng và thực hiện chặt chẽ quy chế làm việc, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết kịp thời các công việc thường xuyên và các vấn đề quan trọng cấp bách của đất nước.
Trong công tác chống dịch Covid-19, cán bộ, công chức Văn phòng Chính phủ đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, kịp thời nắm tình hình tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia chỉ đạo và triển khai thực hiện quyết liệt cấp giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, được quốc tế đánh giá cao.
Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ có nhiều đổi mới sáng tạo, tổ chức phát động phong trào thi đua với những khẩu hiệu, nội dung và giải pháp hành động cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, hướng tới mục tiêu tạo khí thế thi đua sôi nổi để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị được giao, trong đó có việc xây dựng Chính phủ điện tử trong suốt thời gian qua.
Thủ tướng cũng đánh giá cao cán bộ, công chức, công nhân viên, người lao động của Văn phòng Chính phủ đã làm việc với tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, tận tụy hết mình và thầm lặng, không quản ngày đêm, điều kiện thời tiết để hoàn thành công việc.
Nhấn mạnh Chính phủ quyết tâm thực hiện tốt nhất các mục tiêu kinh tế xã hội, trước mắt là đẩy lùi dịch bệnh và không để đứt gãy các hoạt động kinh tế xã hội, bảo đảm tăng trưởng dương, Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ phải tiếp tục khẳng định vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp chuyên nghiệp, hiện đại, vững vàng, tin cậy cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đất nước.
“Văn phòng Chính phủ là cơ quan giúp “truyền và giữ lửa” tinh thần cải cách, xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Văn phòng Chính phủ cần chủ động nghiên cứu, đề xuất kịp thời với Chính phủ, với Thủ tướng Chính phủ xây dựng cơ chế, an sinh xã hội, thực hiện những giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế xã hội của đất nước, phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi thực tiễn trong từng thời kỳ, nhất là đối với tình hình phức tạp hiện nay.
Thủ tướng cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ phải thực hiện tốt đồng thời cả ba chức năng, nhiệm vụ chủ yếu. Thứ nhất là tham mưu tổng hợp giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối tổ chức các hoạt động chung của Chính phủ; giúp Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động hiệu lực, hiệu quả của cả hệ thống hành chính nhà. Phải chống cho được bệnh quan liêu, xa dân, tránh tình trạng chỉ tốt trên giấy tờ, còn người dân và doanh nghiệp vẫn còn khó khăn.
Thứ hai là bảo đảm thông tin phục vụ công tác của Chính phủ của Thủ tướng Chính phủ và cung cấp thông tin cho công chúng.
Thứ ba là bảo đảm điều kiện vật chất kỹ thuật cho hoạt động của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng lưu ý, nếu coi nhẹ bất kỳ nhiệm vụ nào trong ba chức năng vừa nêu, sẽ không hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trước đó phát biểu tại sự kiện, ông Mai Tiến Dũng- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết, điểm sáng trong hoạt động của Văn phòng những năm gần đây là tham mưu và bắt tay cùng các bộ, ngành xây dựng Chính phủ điện tử theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là: “Nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh và bắt đầu từ những việc nhỏ nhất”.
Theo đó đã đưa vào vận hành 3 hệ thống quan trọng phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gồm: Trục liên thông văn bản quốc gia, hệ thống thông tin họp và xử lý công việc của Chính phủ (E-Cabinet), Cổng dịch vụ công quốc gia. Và hôm qua, Văn phòng Chính phủ cũng đã khai trương hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, giúp đẩy mạnh chuyển đổi số, tiết kiệm cho ngân sách khoảng 460 tỷ đồng/năm.
Thời gian qua, Tổ công tác kiểm tra đôn đốc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm tổ trưởng cũng đã hoạt động hiệu quả. Đến nay Tổ công tác đã thực hiện 89 cuộc kiểm tra, tạo sự chuyển động thực thi nhiệm vụ, phá bỏ sự trì trệ. Nếu như trước khi thành lập Tổ công tác, số nhiệm vụ quá hạn của các bộ, ngành, địa phương là gần 24% thì nay chỉ còn 1,1%.
Văn phòng Chính phủ cũng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, trình Chính phủ cắt giảm gần 3.900 trong tổng số gần 6.200 điều kiện kinh doanh; cắt giảm gần 6.800 trong tổng số trên 9.900 danh mục dòng hàng phải chuyển tra chuyên ngành… Việc cắt giảm thủ tục cùng các giải pháp khác đã giúp xã hội tiết kiệm được khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng./.