Gái “đoảng” không phải tự ti
Nếu như trước đây, nhiều bạn gái nấu ăn không ngon, làm việc nhà không khéo léo và tất cả những gì liên quan đến những “điểm yếu” đó đều bị “giấu” kín vì mặc cảm thì bây giờ họ đã được chia sẻ, cảm thông.

Từ ngày cả nước bắt đầu ở nhà để chống dịch Covid-19, trào lưu khoe ảnh “thảm họa” tề gia nội trợ lên ngôi và hội “Ghét bếp, không nghiện nhà” ra đời như thế.
Mục đích của group nêu trên là tạo sân chơi cho các thành viên giải trí, thư giãn, vui vẻ và sống thật với bản thân. Ở đó, khi đăng những món ăn không ngon, mọi người chia sẻ, được động viên và có khi còn được tư vấn để làm ngon hơn…
Nguyễn Thu Hiền, thành viên của hội “Ghét bếp, không nghiện nhà” cho biết: “Tôi nấu ăn không ngon và luôn tự ti về sự đoảng vị của mình. Từ khi vào nhóm này, tôi thấy tự tin hơn. Tôi cũng thẳng thắn nói với người yêu về điều này và được anh ấy chia sẻ. Anh còn hứa, sau khi hết dịch sẽ cùng tôi học nấu ăn. Hơn cả những món ăn “phá bếp” chia sẻ trong nhóm, được vui vẻ giữa những ngày bị cách ly xã hội mới là điều đáng quý của hội này”.

Đặng Trung Kiên, thành viên hội “Ghét bếp, không nghiện nhà” cũng chia sẻ: “Mình vào nhóm để tìm tiếng cười vui. Bình thường nếu không cách ly xã hội thì mình phải làm việc từ sáng đến tối mịt, không có thời gian lên mạng lướt Facebook nhưng từ khi nghỉ làm, được sống chậm, mình vào nhóm này thấy thoải mái hơn.
Giữa dịch bệnh, phải ngồi một chỗ, bỗng dưng thi thoảng bật cười thích thú với những khoảnh khắc sống thật của người khác chẳng phải rất thú vị sao? Mình không thấy những món ăn đó là thảm họa, mình chỉ thấy sự đáng yêu khi các cô gái đã cố gắng trổ tài trong bếp”.
Tiếng cười là vắc-xin chống lại Covid-19
Có thể thấy, trong hội “Ghét bếp, không nghiện nhà”, những món ăn làm bị hỏng, không ngon, thậm chí là “thảm họa” lại luôn mang đến tiếng cười nhẹ nhõm thay vì chì chiết, chê bai. Thậm chí nhiều ông chồng còn mang những sản phẩm do vợ nấu bị hỏng ra khoe để khẳng định rằng họ vẫn yêu thương dù cô ấy đoảng.

Điều quan trọng là, bất cứ ai trong nhóm cũng đều đồng ý rằng nhiều bức ảnh “thảm họa” đó đã khiến họ bật cười.
Tiếng cười được bật ra giữa mùa dịch, tiếng cười đó làm mọi người vui vẻ hơn, từ đó nghĩ và sống tích cực, lạc quan hơn. Đó chính là lá chắn, là sự miễn dịch để chống lại dịch Covid-19.