Nỗi lo của chị Yến đã vơi đi phần nào khi rất nhiều trạm rửa tay dã chiến được lắp đặt tại các nơi tập trung đông người, chợ, bến xe, nhà ga… trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Niềm vui chung
Ngày 23/3, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), nhãn hàng Lifebuoy cùng sự đồng hành, thực hiện của Thành đoàn, Hội LHTN Việt Nam thành phố Hà Nội đã khánh thành trạm rửa tay dã chiến đầu tiên tại khu vực Tượng đài Vua Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Sau đó, 4 trạm rửa tay dã chiến khác đặt tại cổng chợ Hà Đông và bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội) cũng được khánh thành và đi vào hoạt động.
Đây là hoạt động nằm trong chương trình chung tay phòng chống dịch Covid-19 “Vì một Việt Nam khỏe mạnh”. Chương trình là sáng kiến hợp tác giữa Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), nhãn hàng Lifebuoy nhằm tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng về thói quen rửa tay đúng cách để phòng bệnh truyền nhiễm nói chung và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Theo anh Nguyễn Văn Thành, tài xế taxi, những ngày này, hầu hết ai cũng đeo khẩu trang kín mít để phòng tránh dịch nhưng như thế chưa đủ. “Tôi đọc thông tin trên báo thấy các chuyên gia khuyến cáo sử dụng khẩu trang phòng dịch là cần thiết nhưng như thế là chưa đủ nếu không kết hợp với việc rửa tay cùng xà phòng diệt khuẩn thường xuyên và đúng cách. Đặc biệt khi đến những khu vực có nguy cơ lây nhiễm lớn như trạm xe buýt, bến xe, bệnh viện, chợ… tôi rất muốn thực hiện để bảo vệ bản thân nhưng lại không có chỗ rửa tay”, anh Thành nói.
Vì thế, khi thấy trạm rửa tay dã chiến được lắp đặt ngay tại bến xe, nhà ga... và được trang bị đầy đủ xà phòng diệt khuẩn anh Thành rất mừng. Anh cho biết, sẽ rửa tay thường xuyên để không chỉ bảo vệ bản thân mà cả những người xung quanh.
Cùng chung nỗi niềm với anh Thành, anh Tiến tài xế xe ôm quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm chia sẻ: “Mỗi ngày đi làm vợ đều nhắc vệ sinh tay chân để phòng bệnh nhưng điều kiện đâu cho phép. Vì thế, tôi cũng qua loa chứ cũng không biết làm thế nào. Giờ thì tốt rồi, tôi sẽ chạy tới khu vực Tượng đài Vua Lý Thái Tổ để được rửa tay thường xuyên”.
Cùng nhau giữ gìn
Anh Tiến vừa ra, một chú xe ôm khác tấp xe vào lề đường. Chú vuốt vội mồ hôi sau chuyến xe đường xa. Chú lấy xà phòng rửa tay rồi vã nước lên mặt. Rửa xong, khuôn mặt chú rạng rỡ, sảng khoái hơn hẳn. Chú cười tươi cho biết: “Lúc chạy xe qua khu vực Tượng đài Vua Lý Thái Tổ thấy nhiều thanh niên ở đây thực hiện hoạt động gì đó. Tò mò chú đến xem thử mới biết khánh thành trạm rửa tay dã chiến. Hoạt động này của thanh niên hay quá, mỗi lần chở khách xong chú sẽ đến đây rửa tay. Ai cũng muốn bản thân mình sạch sẽ để sống khỏe mạnh và vượt qua bệnh dịch”.

Vừa bán hàng, chị Yến (chợ Hà Đông, Hà Nội) vừa hào hứng nói: “Hàng ngày ngồi đây bán, nhiều lúc tay bẩn mình không đi rửa được vì xa quá. Giờ có trạm đàng hoàng mà còn miễn phí vậy thì phải rửa cho yên tâm chứ. Mà nước rửa tay thơm nên rửa xong thích lắm”.
Chị Yến hóm hỉnh cho biết thêm, báo đài cứ nói suốt việc rửa tay thường xuyên mà nhiều người không nghe, khi có dịch mới làm theo. Giờ có những trạm rửa tay miễn phí như này ấm lòng quá. Vì thế, chị Yến và nhiều người bảo ban nhau giữ gìn, vệ sinh trạm rửa tay thật sạch sẽ. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên các phường, nơi lắp đặt trạm rửa tay cũng sẽ ra quân thường xuyên tuyên truyền nhắc nhở để người dân bảo vệ công trình ý nghĩa này.
Rửa tay đúng cách là biện pháp đơn giản và hiệu quả để phòng ngừa dịch bệnh. Đến thời điểm này tại thành phố Hà Nội đã có 9 trạm rửa tay dã chiến đi vào hoạt động (4 trạm ở quận Hà Đông, 4 trạm ở quận Hoàng Mai và 1 trạm ở quận Hoàn Kiếm). Thời gian tới, Thành đoàn, Hội LHTN thành phố Hà Nội sẽ triển khai lắp các trạm rửa tay tại bến xe Mỹ Đình, bến xe Gia Lâm, khu ký túc xá công nhân tại Kim Chung (Đông Anh) và tại nhiều địa đểm khác trên địa bàn thành phố.
Dự kiến, Thành đoàn, Hội LHTN Việt Nam thành phố Hà Nội sẽ lắp đặt 100 trạm rửa tay dã chiến trên địa bàn thành phố với sự đồng hành của công ty Unilever Việt Nam - nhãn hàng Lifebuoy (20 trạm), Tập đoàn FPT (50 trạm) và Tổng Công ty Điện lực Hà Nội (30 trạm).
Những trạm rửa tay dã chiến này sẽ góp phần giảm bớt nguy cơ đại dịch lan nhanh, cổ vũ thói quen rửa tay của người dân để bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh ngay cả khi dịch bệnh kết thúc.