Internet hiện giờ trở thành một phần không thể thiếu hàng ngày trong cuộc sống. Đặc biệt là khoảng thời gian giãn cách xã hội trong đợt dịch COVID 19 vừa rồi, Internet được sử dụng nhiều hơn, và ngay cả các học sinh cấp tiểu học lớp 1-2 cũng đã tham gia học tập trực tuyến trên môi trường mạng. Bên cạnh những lợi ích mà internet mang lại thì trẻ em có thể đối mặt với nhiều nguy cơ, rủi ro trên Internet.
Trước vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì xây dựng Đề án quốc gia "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh sáng tạo trên môi trường mạng" phối kết hợp các cơ quan ban ngành, tổ chức khác để hỗ trợ và bảo vệ trẻ em. Đây chính là đề án được xây dựng vì các em, cho các em, của các em.
Thực hiện quyền tham gia của trẻ em vào các chính sách liên quan đến quyền của các em, tháng 6/2020, Viện MSD phối hợp cùng Tổ chức World Vision và ChildFund đã hỗ trợ lấy ý kiến của hơn 1.000 trẻ em tại 20 tỉnh thành/phố, 20 dân tộc khác nhau cho ý kiến về Đề án.

Tiếp theo hoạt động này, Cục An toàn Thông tin tiếp tục phối hợp với Viện MSD để tổ chức buổi truyền thông – tham vấn trực tiếp học sinh các trường về các nội dung của đề án. Chương trình gồm nhiều hoạt động thú vị, không chỉ chia sẻ thông tin về đề án cho các em học sinh mà còn cung cấp các kiến thức hữu ích về chủ đề sử dụng Internet an toàn, lành mạnh, sáng tạo bởi chuyên gia.
Đặc biệt Game show “Công dân số chuẩn” gồm những trò chơi, đố vui có thưởng khiến các bạn học sinh vô cùng thích thú. Thông qua các câu hỏi và kịch tương tác vui nhộn, game show giúp trẻ em tư duy cách thức và giải pháp cho vấn đề bảo vệ quyền riêng tư của bản thân, có trách nhiệm với thông tin của người khác, tránh bắt nạt trên mạng, tư duy logic và phản biện hay các phương pháp kỹ thuật sử dụng Internet thông minh an toàn và kêu gọi sự hỗ trợ khi cần thiết...
Phát biểu tại chương trình, bà Hoàng Thị Hoa – Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ghi nhận sự thành công của buổi truyền thông – tham vấn trẻ em về đề án, bà đề nghị nghiên cứu xây dựng chương trình truyền thông thành mô hình có thể nhân rộng để nhiểu trường, nhiều em học sinh có thể tiếp cận.
Bà Hoa cũng khẳng định: “Trẻ em là tương lai của đất nước, đầu tư vào trẻ em để các con sử dụng Công nghệ, Internet là điều cần thiết để đóng góp cho sự phát triển của đất nước”.