Cắt giảm chi tiêu và tiết kiệm tiền
Là nhân viên bán hàng quần áo thời trang, Trần Thu Hà ở phố Chùa Bộc (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Dịch bệnh Covid-19 đã thay đổi thói quen sinh hoạt, làm việc của gia đình tôi; đồng thời cũng giúp tôi tiết kiệm được khá nhiều chi phí thường nhật. Bình thường, cứ đến tháng lương là tôi đi mua sắm và tụ tập bạn bè đến khi hết tiền thì mới thôi.
Hơn chục ngày gần đây, cửa hàng rất vắng khách và đến hôm nay thì ngừng bán hàng khiến thu nhập của tôi bị giảm chỉ còn 30% lương. Tôi cần phải tiết kiệm chi tiêu để dành tiền phòng lúc cần dùng đến. Dịch bệnh đòi hỏi mọi người phải tìm cách thích nghi. Với tôi, đây cũng là dịp để điều chỉnh thói quen chi tiêu của bản thân”.

Với góc nhìn của một người nắm giữ “tay hòm chìa khóa” của gia đình, chị Thu Hồng ở quận Đống Đa cho rằng, thực tế dịch Covid-19 đã tạo nhiều áp lực tài chính đối với việc chi tiêu trong gia đình.
"Thu nhập của hai vợ chồng tôi vốn chỉ có vậy, thậm chí lại còn bị giảm đi do công ty chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong khi đó, tôi phát sinh khá nhiều khoản chi tiêu liên quan đến việc phòng, chống dịch; tăng cường sức đề kháng cho người thân; dự phòng rủi ro về sức khỏe... Do đó, giảm chi phí sinh hoạt, hạn chế chi tiêu chính là giải pháp đầu tiên để gia đình tôi có thể chống chọi với dịch Covid-19", chị Thu Hồng cho biết.
Trong mùa dịch này, nhiều người trẻ cho rằng, cần phải có một khoản tiết kiệm khẩn cấp. Nếu có việc gì xảy ra, họ phải có tiền để duy trì cuộc sống, ít nhất trong khoảng 3 đến 6 tháng. Có tiền tiết kiệm sẽ làm tăng tính chủ động của mỗi người.
Sống chậm, biết yêu thương
Không chỉ tiết kiệm để tăng tính chủ động trong cuộc sống, nhiều người cũng đã sống chậm hơn để cảm nhận và điều chỉnh bản thân.
Nguyễn Thu Hồng ở quận Long Biên cho biết: “Ngày càng nhiều ca nhiễm bệnh, tôi cảm thấy thực sự lo lắng. Trước đây tôi hay kiêng cữ trong ăn uống nhưng bây giờ tôi nghĩ mình cần phải ăn uống đầy đủ chất, bổ sung thêm rau củ, trái cây.
Phòng tập đã đóng cửa nên mỗi buổi chiều tôi thường đi bộ một tiếng ngoài trời. Bên cạnh đó, tôi còn học được thói quen thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và đeo khẩu trang đến nơi công cộng.
Trước đây, những việc làm trên tôi thường phớt lờ vì nghĩ “có chết ai đâu", bây giờ mới nhận ra sự quan trọng của sức khỏe, cần phải thay đổi thói quen vì mình và vì cộng đồng”.
Nhiều bạn trẻ cũng cho rằng, thói quen đeo khẩu trang, rửa tay và những lời nhắc nhở thường xuyên khiến cho mọi người cảm thấy gần gũi nhau hơn. Đặc biệt người trẻ còn học được cách yêu thương, chia sẻ, cùng nhau góp công sức, thể hiện trách nhiệm của tuổi trẻ chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Ngoài ra, qua những ngày hoang mang về dịch bệnh, nhiều bạn trẻ đã có được kinh nghiệm khi chọn lọc thông tin để hiểu và lan tỏa tới mọi người.
Đinh Tuấn Anh ở Đông Anh (Hà Nội) cho biết: “Trải qua những ngày hoang mang vì dịch bệnh bởi những tin “fake”, tôi mới biết được một điều là mọi thông tin đều phải chọn lọc và đứng trước bất cứ sự việc nào đều phải bình tĩnh, không hoang mang. Khi bình tĩnh mình mới có thể suy nghĩ và giải quyết mọi vấn đề".
Có thể nói, dịch bệnh Covid-19 là điều không ai mong muốn nhưng trong mùa dịch, nhiều bạn trẻ đã sống chậm lại và biết trân trọng cuộc sống, rút ra nhiều bài học qý giá cho bản thân.