Cần sự chia sẻ trong cuộc sống
Kinh doanh online đang phát triển mạnh mẽ trên phạm vi rộng. Tuy nhiên, bên cạnh việc đem lại những tiện ích cho người mua và người bán thì còn tồn tại không ít bất cập.
Chưa bàn đến việc thất thu thuế khi người bán không đăng ký kinh doanh, không kê khai doanh thu với cơ quan quản lý Nhà nước và thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt, không có hóa đơn, chỉ ở góc độ xã hội, “nghiện” mua sắm online còn khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh căng thẳng, lục đục.
Có thể nói, nghiện mua sắm online khiến phụ nữ không còn thời gian dành cho gia đình và nuôi dạy con cái được tốt. Đành rằng, mải mê xem livestream bán hàng, “nghiện” mua sắm online là quyền tự do của mỗi cá nhân nhưng nếu không kiểm soát sẽ dẫn đến những hệ lụy không đáng có đối với cuộc sống gia đình, ảnh hưởng đến học tập, công việc...
Theo tiến sĩ Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội: “Đôi khi vì stress trong công việc hay trong cuộc sống hằng ngày, nhiều phụ nữ đã xem livestream bán hàng và từ đó “nghiện” mua sắm lúc nào không hay. Tôi nghĩ rằng, xem bán hàng trực tuyến là quyền cá nhân của họ. Tuy nhiên, việc gì thái quá cũng không tốt. Không ít gia đình đã cãi vã vì chuyện vợ “nghiện” xem livestream và mua sắm online.
Tôi nghĩ, cách để kéo người phụ nữ này ra khỏi những "cơn nghiện" mua sắm là cần tạo việc làm khiến họ bận rộn hoặc chia sẻ thêm nhiều hình thức giải trí có ý nghĩa, giúp họ từ bỏ điện thoại thông minh, những trang mạng xã hội… Điều đó sẽ khiến họ không có thời gian dành cho những việc vô bổ".
Ngoài ra, trong gia đình, người chồng cần phải quan tâm đến vợ nhiều hơn, cùng nhau chia sẻ gánh nặng trong cuộc sống. Bởi cũng có nhiều người phụ nữ vì căng thẳng mà xem livestream bán hàng như một hình thức giải trí. Không thể đổ hết lỗi cho phụ nữ khi họ “quên” chăm sóc gia đình vì xem livestream để mua sắm online. Mỗi người cần quan tâm đến nhau hơn, vì nhau và đứng vào vị trí của nhau để cùng xử lý những vấn đề trong cuộc sống”.
Hãy nhấn “bỏ thích”...

Nhiều ý kiến cho rằng, để “cai nghiện” mua sắm online, trước hết bạn cần phải nhấn “bỏ thích” với tất cả các trang bán hàng trên Facebook. Bởi nó là một “cái chợ” bán buôn cực kỳ sôi động và hấp dẫn. Nếu trang bán hàng đó còn nằm trong frendlist, nó sẽ luôn hiển thị ở trang chủ của bạn. Những hình ảnh quần áo, đồ dùng được sắp đặt, chụp hình đẹp mắt cứ thế lặp đi lặp lại trong mắt, sẽ làm bạn không tài nào cưỡng lại thú vui mua sắm của mình.
Bên cạnh đó, bạn phải xóa cả lịch sử trên máy tính về các trang web buôn bán. Việc phải ghi nhớ và gõ lại đầy đủ địa chỉ trang web bán hàng sẽ cản trở bạn đôi chút và có thể làm bạn nghĩ lại hoặc nản lòng rồi bỏ cuộc tìm kiếm.
Một vấn đề bạn cần làm là tạm khóa dịch vụ chuyển khoản qua mạng. Bởi dịch vụ này sẽ hỗ trợ bạn tiêu tiền nhanh đến chóng mặt. Khi không có nó, bạn sẽ bị cản trở phần nào việc mua sắm online.
Các chuyên gia cũng khuyên rằng, người muốn “cai nghiện” mua sắm online đừng bao giờ vào các trang thanh lý hàng. Ở đó sẽ có rất nhiều người mong muốn đẩy được món đồ họ đã lỡ mua mà không vừa ý, đồ không còn hợp mốt, bị lỗi… với giá rẻ khiến bạn mua ngay mà không kịp suy nghĩ .
Nếu muốn mua bạn hãy đến tận nơi xem và thử. Trong thời gian đi đến cửa hiệu, trung tâm mua sắm, bạn sẽ kiểm chứng được ý thích của mình có phải là nhất thời không. Trong lúc này, bạn hãy trả lời những câu hỏi như: Món đồ đó mình đã có chưa, có món nào tương tự rồi? Sử dụng nó vào dịp nào và có hữu dụng không? Các khoản chi tiêu trong tháng này liệu có bị thâm hụt nếu mua sắm?