Khoe thân, nói tục, chửi bậy, trang điểm kỳ quặc… để câu khách, đó là các chiêu trò của nhiều cơ sở kinh doanh online hiện nay.
Mở Facebook là thấy livestream
Để tăng “độ” thuyết phục, nhiều cơ sở kinh doanh tận dụng tính năng livestream nhằm giúp khách hàng quan sát sản phẩm một cách trực quan hơn. Không chỉ sử dụng một tài khoản, các cơ sở kinh doanh này còn sử dụng nhiều tài khoản cùng lúc với mục đích tăng tối đa số lượng khách hàng tiếp cận. Điều này đã gây ra sự phiền toái cho nhiều người mỗi khi mở Facebook.
Bạn Hoàng Ngọc Quỳnh (ở quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Facebook giờ không còn là nơi riêng tư cá nhân nữa mà trở thành nơi “hỗn tạp”. Người ta mời chào mọi thứ, dùng đủ chiêu trò để thu hút người xem nhằm câu like, share, câu tương tác”.

Trong khi chi phí quảng cáo Facebook ngày càng đắt đỏ mà giá livestream thì bằng 0. Chỉ với chiếc điện thoại có kết nối internet là các chủ cơ sở kinh doanh đã có thể tiếp cận với khách hàng. Mặt khác, do tâm lý "kém miếng khó chịu" thấy các cơ sở khác livestream mà cơ sở mình không có thì mất khách nên mới nở rộ trào lưu “nhà nhà livestream, người người livestream”.
Đồng quan điểm, chị Trương Trúc Linh (ở quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng: “Facebook bây giờ chẳng khác gì một cái chợ. Cứ đến những “giờ vàng” từ 11 - 14h hoặc từ 19h - 21h chỉ cần lướt Facebook là chúng ta thấy hàng tá các livestream bán hàng đủ mọi thể loại đập vào mắt”.
Không chỉ các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ mà các quảng cáo, livestream bán hàng của thương hiệu nổi tiếng cũng đang “tấn công” khách hàng.
Cũng theo chị Trúc Linh, vào Facebook chủ đích để cập nhật thông tin của bạn bè, người thân nhưng chị lại trở thành đối tượng “tấn công” của các buổi livestream bán hàng khi kéo đến đâu là hiện đến đấy. Mặc dù đã liên tục chặn, ẩn các bài viết đó trên trang cá nhân. Nhưng lạ thay, dù chặn rồi thì 5 giây sau lại thấy đúng cửa hàng bán mỹ phẩm đó, đúng người đang livestream đó tiếp tục nói.
“Khi xem kỹ, tôi mới thấy, cửa hàng mỹ phẩm này có đến hàng nghìn tài khoản Facebook. Họ chia sẻ trong tất cả các hội nhóm mà tôi tham gia trên mạng xã hội. Cứ 2 - 3 bài viết, tôi lại gặp 3 - 4 bài livestream bán hàng. Chưa kể có những livestream rất phản cảm, nhố nhăng”, chị Trúc Linh bức xúc.
Từ văng tục cho đến khoe thân

Để người dùng Facebook chú ý tới sản phẩm của mình, các chủ cơ sở kinh doanh bất chấp “mọi thủ đoạn” để câu view từ các chương trình khuyến mại, miễn phí vận chuyển sản phẩm cho đến việc khoe da thịt với hy vọng khách hàng "nán" lại nghe những điều mình nói, xem sản phẩm mình bán.
Không phải người nổi tiếng nhưng tài khoản PT bán hàng online có đến hơn 600 ngàn lượt theo dõi trên Facebook, mỗi livestream có đến hơn chục ngàn lượt xem. Lý do là chàng trai này áp dụng cách bán hàng chẳng giống ai: Vừa livestream vừa chửi khách. Chửi xéo, ngoa ngắt có, chửi tục cũng có, những câu chửi đanh đá và lắm chiêu khiến nhiều người tò mò, lấy làm thú vị như đang xem một chương trình giải trí. Chính bản thân tài khoản cũng chia sẻ: “Đó là chiêu trò nhỏ, khiến người xem hứng thú hơn”.
Một số người nổi tiếng cũng có cách bán hàng vừa livestream vừa chửi. Có cô cựu người mẫu vốn nổi tiếng với sự đanh đá và nóng tính, sẵn sàng chửi thề với bất kỳ ai có thái độ với mình. Trong không ít những lần livestream bán hàng, cô gái tung ra những lời chửi tục tũi kể cả những người chỉ “vô ý” hỏi những câu khiến cô không vừa lòng.
Với nhiều “thánh” bán hàng online, họ đã tìm mọi cách để thu hút khách hàng trong đó có chiêu khoe thân. Facebook V.T.H liên tiếp livestream mặc đồ lót, nhún nhảy uốn éo theo nhạc nhằm câu like. Không ngần ngại, người này còn liên tục hô hào khách hàng: “Mọi người chia sẻ nhiều lên giúp em, nhiều người xem thì H sẽ thay những bộ nóng bỏng hơn nữa nha”.
Đáng chú ý hơn, dù có rất nhiều khách hàng vào chê bai, thậm chí thẳng thắn nói về việc bán hàng cần có văn hóa nhưng chủ cơ sở kinh doanh này thản nhiên đáp trả bằng lời thách thức: “Đây là Facebook cá nhân, làm gì là việc của mình, mắc mớ gì tới mấy bạn, ai không thích thì đừng có xem…”. Nhiều cư dân mạng bức xúc gọi đây là trò bán da thịt chứ không phải bán hàng online.
Ở cấp độ khác, nhiều bạn trẻ bán hàng online cũng vứt bỏ danh dự của bản thân, không ngần ngại thể hiện những trò nhố nhăng, chủ yếu nhằm tăng lượng người xem livestream của mình. Có bạn nam bán quần áo chấp nhận mặc váy, đồ lót nữ nhảy múa, có bạn mặc dù bán phụ kiện điện tử nhưng lại chọn cách đội quần lót lên đầu và ngồi hát để thử micro cho khách.
Không chỉ tự nghĩ ra những chiêu trò phản cảm để thu hút người xem, một số bạn trẻ bán hàng online còn nghĩ ra trò tương tác, thách đố khách hàng. Nếu khách mua hàng thì sẽ được chủ cơ sở kinh doanh coi bói hay sẽ được quyền yêu cầu chủ shop thực hiện một hành động nào đó. Không ít khách hàng oái oăm đòi người bán hàng “cởi đồ” hoặc kêu tiếng chó, mèo, bò quanh phòng…
Rõ ràng, livestream là một phương thức bán hàng hoàn toàn mới trong thời đại công nghệ số nhưng nếu dùng chiêu trò phản cảm, dung tục để câu view, câu like thì đồng nghĩa với sự đánh mất danh dự, giá trị của bản thân. Đó cũng chính là những vết “hoen ố” sẽ theo những người trẻ trong hành trang lập nghiệp của mình...
(Còn nữa)