Nát nhà vì... livestream
Vừa nấu xong bữa cơm, chị Lê Thu Hương ở quận Thanh Xuân không kịp dọn ra bàn, chỉ dặn với một câu: “Ba bố con ăn cơm đi nhé” rồi vội vàng chạy vào phòng ngủ để xem livestream. Tối nào chị Hương cũng mải mê theo dõi livestream trên trang Facebook của một anh chàng khá điển trai lại hát hay. Nhân vật này đã trở thành hiện tượng mạng xã hội, vừa hát vừa bán hàng thu hút hàng nghìn lượt xem và hàng nghìn lượt chia sẻ, chủ yếu từ các chị, em.
Để ủng hộ chàng trai, chị Hương không tiếc tiền bỏ ra mua đủ bộ sản phẩm từ dưỡng da, chống nám đến collagen, son môi… dù mua về chị không dùng đến. Trên bàn trang điểm của chị không còn chỗ để, những hộp collagen hay thuốc giảm cân phải cất cả trong tủ quần áo nhằm giấu chồng, tránh bị phàn nàn. Đôi khi, chị tặng bớt nhưng không ai dám nhận vì sản phẩm không có tên tuổi trên thị trường.
Chị Hương cho biết: “Chàng trai không phải ca sĩ nhưng hát rất hay, bán hàng lại có duyên nên tôi mua ủng hộ dù không sử dụng vì chưa thực sự tin tưởng”.
Chỉ vì mải xem anh chàng hát và mua hàng nhiều, hai vợ chồng chị Hương đã cãi nhau không biết bao nhiêu lần. Bực tức quá, anh chồng đã hai lần ném điện thoại của vợ vỡ màn hình. Kết quả, chiến tranh lạnh trong gia đình kéo dài cả tuần liền.

Nếu như chị Hương vì “cả nể” mà mua hàng mỹ phẩm thì chị Trần Thu Thủy ở quận Đống Đa cũng chẳng kém cạnh gì. Cứ đến 19h hằng ngày, bỏ mặc chồng tự cho con nhỏ ăn, chị Thủy ngồi riêng một chỗ và cầm điện thoại để xem livestream bán hàng quần áo. Chị mải mê lướt hết trang nọ đến trang kia và vui tay, vui mắt chị lại để số điện thoại đợi tư vấn, đặt hàng.
Trong nhà chị Thủy, ngoài tủ 4 ngăn cao lên tận trần nhà chật ních toàn quần áo thì còn rất nhiều bịch lớn, bịch nhỏ quần, áo, váy vứt khắp nơi do không mặc đến. Vì mua hàng qua livestream nhưng khi ship hàng đến thì quá xấu, chị không thể mặc nổi.
Mua xong rồi vứt bỏ
Chị Trần Thu Thủy chia sẻ: “Tôi rất thích xem livestream bán hàng. Tôi kết bạn và thích nhiều shop thời trang. Tối nào trên dòng thời gian của tôi cũng tràn ngập hình ảnh bán hàng, hầu như hôm nào họ cũng giảm giá đến mức như cho không. Túi, váy có khi chỉ 49 đến 99 nghìn đồng nhưng giá đó chỉ dành cho vài chục người. Vì vậy, tối nào tôi cũng vào xem sớm để có cơ hội mua được những thứ giá rẻ. Có hôm, tôi mua được 5 sản phẩm gồm túi và giày dép, váy… tổng cộng chưa đến 200 nghìn đồng”.
Anh Chiến - chồng chị Thủy nhiều lần ngọt nhạt, khuyên nhủ vợ đừng mua hàng trên mạng. Bằng chứng là bao nhiêu sản phẩm nhìn trên mạng rất long lanh nhưng khi về đến tay thì không thể sử dụng được. Không khuyên nhủ được, nhiều lần bực mình, anh đã vãi vã, thậm chí xô xát với vợ nhưng kết quả không thay đổi.
“Cực chẳng đã tôi đã gọi bố mẹ vợ đến và trao trả cô ấy vì không thể chịu được tính hoang phí, nghiện mua sắm và không chăm sóc con cái để chạy đua xem livestream, săn hàng giá rẻ trên mạng xã hội. Túi hay váy gì mà chỉ có 39 nghìn đồng, thậm chí là 7 nghìn đồng… Thực ra đó là hàng xấu. Nhà thì chật mà cứ vài ngày tôi lại thấy có người gọi ra nhận hàng một lần. Rẻ nhưng mua về không sử dụng, vứt đi thì thành lãng phí”.
Nhiều người tiêu dùng cho biết, mua hàng qua livestream nhìn thấy kiểu dáng, chất liệu nên yên tâm hơn, tuy nhiên khi nhận được hàng họ mới “ngã ngửa” vì chất lượng không đúng như hình ảnh, thậm chí không thể sử dụng nổi.
“Vẫn biết là hàng rẻ thì chất lượng không cao nhưng tôi không ngờ sản phẩm kém đến mức không dùng được. Tôi phải giấu chồng cho vào bao tải để ở phòng kho đợi có dịp nào về quê mang cho ai dùng được thì dùng”, chị Nguyễn Thị Ngọc từng “nghiện” mua hàng qua livestream trên mạng xã hội cho biết.
(Còn nữa)