Một tối, trên đường đi làm từ nội thành về nhà, Lê Quang Dương (xã Tam Thuấn, Phúc Thọ, Hà Nội) qua làng Đăm (Tây Tựu, Bắc Từ Liêm) thấy đèn điện giăng trên mặt ruộng hoa sáng trưng như thành phố nhỏ. Dương cứ mê mải ngắm nhìn, rồi chợt lóe lên ý tưởng học nghề trồng hoa và mang về quê…
Ngã rẽ bất ngờ
Dương là con cả trong gia đình thuần nông ở thôn Táo 3, xã Tam Thuấn. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tốt nghiệp trung học phổ thông, anh quyết định tìm việc làm. Dương theo chân một số người đi làm phụ hồ, công việc vất vả mà thu nhập bấp bênh. Khi đó, anh luôn mơ ước tìm kiếm được một công việc ổn định, có thu nhập tốt hơn để phụ giúp gia đình nhưng không biết nên bắt đầu từ đâu?
Cơ duyên đến khi một tối Dương đi qua làng Đăm (khi ấy còn thuộc xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm) thấy đèn điện giăng trên mặt ruộng hoa sáng trưng như phố. Anh mải mê ngắm rồi mơ ước quê mình cũng được như thế. Khi đó, Dương chợt lóe lên ý tưởng học nghề trồng hoa. Nghĩ là làm, anh chẳng ngần ngại tạt vào một ruộng hoa ven đường xin việc. Dương được nhận ngay vào làm công việc tưới, bốc hoa với mức lương còn “bèo” hơn cả việc phụ hồ.
Vừa làm Dương vừa quan sát học hỏi kỹ thuật của người dân ở vùng trồng hoa Tây Tựu nổi tiếng khắp Hà Nội. Sau hơn một năm, anh quyết định về quê thuê đất trồng hoa với mơ ước nhanh chóng gặt hái thành công. Tuy nhiên, cái Dương nhận được lại là trái đắng.

“Vụ đầu tiên, mình may mắn khi vài gốc cây cho bông. Vụ thứ hai, mình mất trắng mấy chục triệu đồng vì hoa hỏng hết. Đó là số tiền khá lớn với vợ chồng mình hồi ấy bởi phải chắt bóp, vay mượn mãi mới được. Nhìn ruộng hoa, hai vợ chồng mình chỉ biết thở dài, xót xa. Thậm chí, vợ mình còn có ý định bỏ nghề trồng hoa để kiếm công việc khác”, Dương nhớ lại ngày mới bước vào nghề.
Khi đó, chính Dương là người tự động viên bản thân và vợ. Anh suy nghĩ, tìm nguyên nhân thất bại. Ngoài non kinh nghiệm, những kỹ thuật chính anh chưa nắm được bởi thời gian làm thuê chủ yếu là quan sát người khác làm. Dương quyết định tìm sách kỹ thuật trồng hoa để đọc. Anh cũng khăn gói ra làng hoa Tây Tựu để nhờ người quen chỉ dạy, hướng dẫn thêm.
Những vụ hái hoa thơm
Sự quyết tâm không đầu hàng cái khó, kiên trì với công việc đã giúp Dương có vụ hoa thơm đầu tiên. Vụ mùa thứ ba thắng lớn, anh tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng hoa.
Sau 5 năm vừa học nghề vừa làm nhà vườn trồng hoa, năm 2012, Dương đã trả hết nợ, xây được nhà mới, chăm lo cuộc sống đủ đầy cho bố mẹ, vợ con.
Phát triển mô hình trồng hoa áp dụng khoa học kỹ thuật, hiện Dương sở hữu gần 2ha trồng các loại hoa như: Hồng, huệ, cúc, ly... Mô hình mang về cho anh doanh thu hơn 1 tỷ đồng mỗi năm và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/tháng.

Dương cũng là một những người trồng hoa đầu tiên ở xã Tam Thuấn nhưng không sợ thất thất bại, kiên trì theo đuổi công việc tới cùng. “Thất bại ở vụ mùa thứ hai vẫn còn in đậm trong tâm trí mình đến bây giờ. Ngày đó, nếu mình sợ, bỏ nghề trồng hoa để tìm công việc mới thì có lẽ chẳng được như bây giờ. Vì vậy, muốn có trái ngọt trước tiên bạn phải có sự kiên trì”, Dương chia sẻ.
Với kinh nghiệm có được, Dương chia sẻ với bà con và đoàn viên, thanh niên trong thôn. Nghề trồng hoa mang lại thu nhập cao. Vì vậy, hầu hết các hộ gia đình trong thôn đều chuyển đổi trồng lúa sang hoa.
Mỗi buổi sớm mai, những chuyến xe hoa từ đây lại đều đặn tỏa về nội thành, tiêu thụ tại chợ hoa Quảng An và các chợ đầu mối khác... để làm đẹp cho đời.
Nghề trồng hoa Dương mang về ngày nào giờ đã làm thay đổi hẳn diện mạo thôn Táo 3 khi làng quê có thêm nhiều tỷ phú, nhiều ngôi nhà khang trang, to đẹp mọc lên... Theo Dương, những khu ruộng diện tích lớn, hạ tầng đường sá khang trang cùng với chính sách hỗ trợ cho vay vốn, khuyến khích các hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện Phúc Thọ những năm qua chính là điểm tựa để anh và bà con vươn lên thoát nghèo.
Từ “hạt giống” ở Tam Thuấn, nghề trồng hoa đã lan sang những xã khác, góp phần xây dựng quê hương Phúc Thọ ngày càng giàu đẹp.
Để mở rộng diện tích trồng hoa, Dương và các thành viên trong Hội nghề trồng hoa xã Tam Thuấn còn thuê lại đất bên xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ), phát triển nghề. Anh hy vọng hướng đi này sẽ giúp nhiều hộ gia đình giàu lên nhờ trồng hoa.
“Những tháng đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến những người trồng hoa. Tuy nhiên, mình và các hộ nông dân khác sẽ kiên trì, khắc phục khó khăn để cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế”, tỷ phú hoa Lê Quang Dương cho biết.
(Còn nữa)