Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 chiều 22/4, liên quan đến kỳ thi THPT 2020, Thủ tướng thống nhất với báo cáo của Bộ GD&ĐT.
Thủ tướng đánh giá cao ngành giáo dục, các địa phương quán triệt các các chỉ đạo của Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 thời gian qua. Một đất nước trên 22 triệu học sinh, sinh viên thì rất nhiều chuyện phức tạp, cần được từng gia đình, từng cộng đồng ngành giáo dục cùng chia sẻ.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương tổ chức cho các em đi học an toàn chu đáo, kết hợp học qua truyền hình, học qua mạng, học có trọng tâm, trọng điểm.
Đánh giá cao Bộ GD&ĐT đã chủ động xây dựng phương án thi tốt nghiệp THPT năm nay và các trường đại học thực hiện phương án tự chủ, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT sớm ban hành quy chế và hướng dẫn công tác thi THPT cũng như xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay trong đó tập trung vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Bộ GD&ĐT sẽ ra đề thi trên tinh thần học gì thi nấy, chú trọng nâng cao chất lượng. Thời gian thi trong 1,5 ngày. Kỳ thi sẽ do UBND cấp tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm. Đây sẽ là kỳ thi an toàn, chất lượng trong điều kiện có dịch bệnh COVID-19.
Bộ cũng cần tăng cường thanh tra, giám sát của các cấp, các ngành như Bộ GD&ĐT, Bộ Công an... và tăng cường sử dụng công nghệ để bảo đảm tính trung thực của kỳ thi. Bộ GD&ĐT sớm ban hành quy chế cụ thể để áp dụng chặt chẽ, nề nếp, an toàn. Trong đó, Bộ GD&ĐT phải hướng dẫn, thanh tra, giám sát kỳ thi ở các địa phương, không được buông lỏn và địa phương chịu trách nhiệm chính.
Hy vọng kỳ thi sẽ diễn ra thành công, không để lại những sự cố đáng tiếc.

Chốt phương án thi tốt nghiệp THPT 2020.
Ngày 21/4, tại cuộc họp giữa Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành trung ương bàn về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, các đại biểu đã thống nhất kỳ thi tới vẫn tổ chức thi nhưng chỉ tập trung vào mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá mặt bằng chất lượng học sinh phổ thông trên cả nước.
Kỳ thi sẽ khắc phục những ảnh hưởng của dịch COVID-19 tới việc dạy và học, đồng thời vẫn tuân thủ đúng quy định của Luật Giáo dục sửa đổi (năm 2019) có hiệu lừa từ 1/7/2020. Theo đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ do các địa phương chịu trách nhiệm chủ trì công tác tổ chức thi, coi thi, chấm thi tự luận.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, cần thiết tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT để có căn cứ đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông trên toàn quốc theo đúng chuẩn đầu ra, bảo đảm giáo dục toàn diện, tránh tình trạng học tủ, học lệch.
Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý nhà nước có căn cứ để điều chỉnh chương trình, phương pháp giảng dạy cho phù hợp với thực tiễn theo hướng nâng cao chất lượng giáo dục.
Để bảo đảm kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, chất lượng, bên cạnh các giải pháp hành chính, về kỹ thuật, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức các môn thi trắc nghiệm nhằm giảm thiểu tác động của con người trong quá trình thi cử.
Các môn thi trắc nghiệm được chấm bằng máy với quy trình giám sát chặt chẽ (bản chất là chấm tập trung trong toàn quốc). Các địa phương tổ chức chấm các bài thi tự luận như những năm trước.
Việc tổ chức kỳ thi cũng nhằm tạo sự minh bạch, công bằng giữa người học trên toàn quốc, là cơ hội để học sinh rèn luyện bản lĩnh thi cử, tạo động lực thi đua cho cả người học, người dạy… "Sau khi có kết quả thi, Bộ sẽ phân tích, đánh giá, công khai dữ liệu so sánh giữa phổ điểm học bạ và phổ điểm thi tốt nghiệp của các địa phương để dư luận giám sát", Bộ trưởng nói.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ GD&ĐT hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo an toàn, giảm áp lực cho học sinh cả nước. Phương án được hoàn thiện sẽ trình Thủ tướng trong thời gian tới.