Zing.vn dẫn thống kê trên trang BMJ Global Health cập nhật đến ngày 28/2 cho thấy nam giới có khả năng mắc bệnh và tử vong do COVID-19 cao hơn nữ giới. Tại Trung Quốc, tỷ lệ tử vong ca bệnh do virus ở nam giới là 2.8% còn nữ giới là 1.7%.
Trong bài phát biểu tại cuộc họp giao ban hàng ngày tại Nhà Trắng, Tiến sĩ Deborah Birx, điều phối viên Nhóm đặc trách chống COVID-19 của Nhà Trắng cho biết theo một báo cáo của Ý, đàn ông ở hầu hết mọi lứa tuổi đều có tỷ lệ tử vong vì COVID-19 cao hơn nữ.

Nam giới có tỷ lệ mắc và tử vong vì COVID-19 cao hơn nữ giới (Ảnh minh họa)
Theo các cơ quan y tế tại Ý, trong khoảng thời gian từ ngày 21/2 đến 12/3, nam giới chiếm 58% trong tổng số 13.882 trường hợp mắc COVID-19 tại Ý và 72% trong số 803 trường hợp tử vong. Ngoài ra, thống kê còn chỉ ra rằng đàn ông nhập viện vì COVID-19 có nguy cơ tử vong cao hơn 75% so với phụ nữ nhập viện.
Còn tại Hàn Quốc, dù số ca tử vong đã giảm rõ rệt, nhưng nam giới vẫn chiếm phần lớn với 54% ca.
Mặc dù hiện chưa có nghiên cứu chuyên sâu về việc nam giới mắc COVID-19 dễ bị tử vong hơn nữ giới, nhưng theo các nhà khoa học lối sống chủ quan, thói quen hút thuốc và sử dụng rượu bia là một trong những nguyên nhân gây tỷ lệ tử vong ở nam giới cao hơn nữ giới.
Theo VOV, Tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Italy, phụ nữ có xu hướng sống lâu hơn nam giới, WHO cho biết. Nam giới uống rượu và hút thuốc nhiều hơn nữ giới tại 3 quốc gia này. Riêng ở Trung Quốc, có tới 48% nam giới trên độ tuổi 15 hút thuốc trong khi con số này ở nữ giới chỉ chiếm 2%. Bên cạnh đó, nam giới ở những quốc gia này cũng có xu hướng tử vong cao hơn vì các bệnh tim mạch, tiểu đường ung thư và bệnh hô hấp trong độ tuổi từ 30 đến 70.
Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu khác cho rằng, sự khác biệt về đặc điểm sinh học giữa nam và nữ cũng có thể khiến 2 giới chịu ảnh hưởng ở mức độ khác nhau trước COVID-19. Một nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Human Genomics cho biết, nhìn chung nữ giới có hệ thống miễn dịch tốt hơn và có sức đề kháng trước các bệnh truyền nhiễm cao hơn nam giới.
Bởi hormone cũng có thể đóng vai trò quan trọng. Estrogen được chứng minh có thể làm tăng phản ứng chống virus của tế bào miễn dịch. Nhiều gen điều hòa tế bào miễn dịch được mã hóa trên nhiễm sắc thể X (nam có một, nữ có 2), vậy nên có thể một số gen liên quan đến phản ứng miễn dịch sẽ hoạt động mạnh hơn ở nữ so với nam.