Cái kết cho sự phát triển nóng
Trong suốt 2 năm 2017 - 2018, thị trường BĐS Quảng Nam đã phát triển chóng mặt với hàng ngàn sản phẩm được bán ra cũng là lúc thị trường BĐS nơi đây bộc lộ những khiếm khuyết "chết người".
Và mặc dù khu đô thị hình thành và đất chia lô bán đến tay người mua, nhưng các thủ tục pháp lý liên quan đến sản phẩm thì vẫn còn… ở nơi xa lắm.
Bản chất thị trường thể hiện rõ nét nhất sau những diễn biến của vụ kiện giữa Công ty CP Bách Đạt An và Công ty CP Đầu tư Hoàng Nhất Nam trong tranh chấp hợp đồng môi giới. Đó là các căn cứ pháp lý quyết định cho việc mua bán sản phẩm BĐS hình thành trong tương lai chưa được nhận thức và quản lý đầy đủ.
Trước hết phải nói đến công tác quản lý lỏng lẽo của các cơ quan chức năng khi các hoạt động mở bán diễn ra ngang nhiên, công khai và kéo dài suốt thời gian qua mà không được chấn chỉnh để dẫn đến những kết cục như ngày hôm nay.
“Chuyện mở bán với hàng ngàn người đến tham dự thì không thể nói chuyện cây kim nằm trong bọc, hay chuyện hàng trăm các ki - ốt mọc lên giữa các vùng dự án thì không thể nói là mua bán chui được” – anh Vũ, khách hàng mua đất nền tại khu Điện Nam – Điện Ngọc nói.
Và với những gì đã diễn ra, dù dự án chỉ mới có phê duyệt chủ trương đầu tư, chủ đầu tư chưa thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước,… nhưng đất trống đến đâu, chủ đầu tư chia lô và bán đến đó.
Để qua mặt các quy định của luật pháp, họ sử dụng các phiếu đặt chỗ, các hợp đồng đăng ký mua sản phẩm, hay thậm chí hợp đồng góp vốn kinh doanh… chỉ là để làm sao bán được sản phẩm và thu tiền về cho đến khi cơm không lành, canh không ngọt thì mới vỡ lẽ.
“Đó là những hợp đồng mua bán trá hình, thiếu căn cứ pháp lý mà người mua vẫn lao vào vì nhiều lý do. Nguy hiểm hơn là với những hợp đồng đó, rủi ro đều đẩy về phía khách hàng nếu gặp các chủ đầu tư, nhà môi giới làm ăn vô đạo đức…
Những rủi ro này tôi đã từng cảnh báo từ rất sớm, nhưng vì lợi nhuận, người mua đã bất chấp lờ đi để rồi bị cuốn vào và kết cục như anh thấy, kiện tụng, tụ tập đông người kéo dài suốt thời gian qua” – luật sự Anh Phiệt nói.
![]() |
Sự phát triển nóng nào cũng tiềm ẩn những nguy cơ, nhưng vì cơ lốc lợi nhuận đem lại quá cao đã cuốn người mua vào cuộc chơi bất chấp các rủi ro đã được cảnh báo. Trong ảnh là khách hàng vây trụ sở Cty CP Bách Đạt An để đòi sổ đỏ. |
Thiệt hại khó đo đếm
Điều gì đến cũng sẽ phải đến, nhà đầu tư và môi giới xảy ra tranh chấp, kéo theo hàng ngàn khách hàng mắc kẹt, lũ lượt kéo nhau đi đòi công lý. Trong suốt 2 năm qua, hàng chục cuộc điều đình của số khách hàng này đã diễn ra tại văn phòng chủ đầu tư, đơn vị môi giới, thậm chí tại trụ sở các cơ quan chức năng gây xáo trộn, ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của địa phương.
Không những vậy, đến khi diễn ra phiên toà xét xử tranh chấp, việc xuất hiện của hàng trăm người có nghĩa vụ liên quan ngồi chật kín phòng xử án, cho đến việc người dân căng băng rôn ngay giữa chốn công đường cũng được xem là chuyện chưa từng có từ trước đến nay khiến dư luận dậy sóng, buộc cơ quan chức năng nhìn lại về công tác quản lý của mình.
Tại các phiên toà xét xử, ông Trịnh Minh Thái – Chánh Thanh tra tỉnh Quảng Nam, người đại diện uỷ quyền của UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan chức năng địa phương đã phải thừa nhận, trong thời gian qua, chính quyền đã tổ chức hàng chục cuộc gặp mặt, đối thoại giữa các bên để tìm ra tiếng nói chung giữa chủ đầu tư và nhà môi giới nhưng không thành đã gây ra tình trạng người dân kéo đến trụ sở UBND tỉnh, cơ quan tiếp dân khiếu kiện.
Và mặc dù việc các doanh nghiệp tiến hành thỏa thuận, mua bán với khách hàng, chính quyền không hề hay biết, nhưng khi xảy ra vụ việc, vì lợi ích của số khách hàng này, UBND tỉnh Quảng Nam đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho họ bằng việc yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện dự án, để Sở TN&MT, Sở Xây dựng và UBND Điện Bàn tiến hành các thủ tục liên quan để cấp sổ và thực hiện sang nhượng cho người dân.
Đó là thiệt hại ở góc độ dư luận xã hội, còn thiệt hại trực tiếp phải nói đến ngàn người mua sản phẩm tại 3 dự án 7B mở rộng, Hera Complex Riverside và Dự án Bách Đạt 1 Liên quan đến vụ kiện của Bách Đạt An và Hoàng Nhất Nam mà còn nhiều dự án khác đã gồng mình vay nợ suốt 2 năm qua nhưng vẫn không thấy sổ đỏ ở đâu.
“Để mua được lô đất này, cả gia đình gom góp, vay mượn. Nhưng suốt 2 năm qua, chủ đầu tư, môi giới cam kết giao sổ vẫn không thấy đâu. Nợ nần chống chất, sổ đỏ không có, lại kiện tụng suốt thời gian qua khiến nhiều người trong gia đình không thèm nhìn mặt nhau” – bà Dư, trú Hội An nói.
![]() |
Hàng trăm người có nghĩa vụ liên quan tham dự phiên tòa xét xử giữa hai công ty bất động sản gây chú ý dư luận thời gian qua. |
Hệ luỵ của vụ kiện gây ra đối với cả một khu đô thị từng được kỳ vọng sẽ là điểm sáng kết nối giữa Đà Nẵng và Hội An nay trở nên hoang tàn, u ám. Những con đường cấp phối phủ bụi, hoang vắng cỏ mọc đầy, thay cho những bức trang sáng màu trước đó mà các bên đã vẽ ra như: khu đô thị mơ ước, tiện ích đẳng cấp, thời thượng…
“Đó là hệ luỵ nguy hiểm và là thiệt hại nặng nề nhất khi đẩy khách hàng vào thế khó, trong khi họ chính là nhân tố quyết định thị trường. Vì một khi khách hàng chịu thiệt thì thị trường cũng sẽ không sáng sủa, bởi những khách hàng cũ thì đang lần quần trong mớ tranh chấp, còn khách hàng mới lại sống trong tâm lý lo ngại, dù rằng cơn lốc “lợi nhuận” được tô vẻ rất đẹp và hoàn mỹ” – luật sư Hoàng Mai chia sẻ.
(Còn nữa...)