Chuyên môn là nền tảng
Chị Nguyễn Thị Khánh Ly làm ở bộ phận quản lí nhân sự, tuyển dụng của công ty tại Cầu Giấy, Hà Nội. Chị Ly khẳng định, kỹ năng chuyên môn là nền tảng chính đối với một ứng viên trong yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Chúng ta có thể hiểu kỹ năng chuyên môn chính là những nội dung và kiến thức mang tính học thuật của từng lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Kiến thức chuyên môn này đã được đào tạo bài bản thông qua quá trình học tập lâu dài tại trường, lớp. Kỹ năng chuyên môn không tự nhiên biết được mà phải được trau dồi liên tục. Loại kỹ năng năng này chính là một trong những yếu tố quyết định được giá trị của người lao động đối với doanh nghiệp.
Trong quá trình làm công tác quản lý nhân sự và tuyển dụng, chúng tôi nhận thấy, nhà tuyển dụng thường yêu cầu về: Trình độ học vấn; Kỹ năng mềm: Giao tiếp ứng xử và cả mong muốn của ứng viên, cầu tiến trong công việc, với quan điểm “thái độ quan trọng hơn trình độ”.
Chị Nguyễn Thị Khánh Ly |
Theo chị Nguyễn Thị Khánh Ly, muốn nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động cần có định hướng để thay đổi - lối tư duy mở hơn trong việc mong muốn học hỏi và nâng cấp bản thân. Người lao động cần phải được liên tục đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng. Các tổ chức, doanh nghiệp cần tạo môi trường để họ được thực hành những gì được đào tạo… Nếu đáp ứng đầy đủ các kỹ năng cần có, nhà tuyển dụng sẵn sàng xem xét những yêu cầu mà ứng viên đặt ra đối với doanh nghiệp, để thu hút họ về với “team” của mình.
“Kỹ năng số” tạo đột phá
Theo anh Phan Thành Dũng (Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ Điện tử tự động hóa DKS), “kỹ năng số” mang lại hiệu quả thiết thực cho người dạy, người học, rút ngắn khoảng cách thực hành và tạo ra hiệu quả nhanh nhất cho người học, cũng như tạo ra hiệu suất kinh tế cho xã hội mà cụ thể là nhà trường và doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, việc phát triển và nâng tầm kỹ năng lao động cho người học nghề – nguồn nhân lực chất lượng cao trên nền tảng số đang là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0. Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam gắn với nâng cao chất lượng đào tạo nghề trong bối cảnh 4.0 là một trong những yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp và bắt đầu được quan tâm đầu tư.
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề hiện nay cũng cần bắt nhịp với công nghệ, bắt nhịp với chuyển đổi số, kỹ năng số. “Kỹ năng số” sẽ giúp cho sự phát triển kỹ năng nghề với tốc độ nhanh nhất. Đó mới là mấu chốt của đúng nghĩa của chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp, để tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng nhanh nhất.
Kỹ năng là tiền tệ, nếu như người học có kỹ năng tốt, cũng giống như có năng lực tốt thì đáp ứng được những thay đổi của công nghệ. Môi trường số giúp cho loài người bình đẳng và hoàn toàn được tiếp cận. Theo anh Dũng, khi đã hoàn thiện “kỹ năng số”, người học có thể đến thực tế nơi có điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc đó để thực hành với khoảng thời gian không cần nhiều, vì bản chất thông qua môi trường học số đã đánh giá được kỹ năng và khi tiếp cận với thực tế thì cũng sẽ hoàn toàn thực hiện được kỹ năng đó.
Đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động bắt kịp thời đại |
Giao tiếp, ứng xử tốt là “điều kiện cần”
Trong bối cảnh những yêu cầu của xã hội đặt ra cho con người ngày càng cao, không chỉ về kiến thức chuyên môn mà đòi hỏi con người phải có kỹ năng giao tiếp tốt để đẩy nhanh tốc độ xúc tiến công việc. Kỹ năng giao tiếp, ứng xử tốt sẽ giúp chúng ta có thể mở rộng mối quan hệ và cũng là một trong những điều kiện để thành công trong cuộc sống.
Anh Đỗ Đình Toàn (Công ty Tech more - Đống Đa, Hà Nội) có một số cách để mở rộng mối quan hệ mà chị đã áp dụng và cảm thấy có hiệu quả như, chị luôn giữ gìn và trân trọng những mối quan hệ hiện có. Chính họ cũng chính là những người có thể giúp chúng ta mở rộng các mối quan hệ khác. Khi muốn thêm bạn thì bản thân mỗi người phải biết tự hoà động, cởi mở và điều mấu chốt nhất để thiết lập thêm những mối quan hệ tốt là sự chân thành; luôn không ngừng nuôi dưỡng các mối quan hệ để thêm sự gắn bó, sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ và bắt tay cùng nhau trong công việc, hợp tác cũng như cuộc sống.
Theo anh Toàn, chưa bao giờ các mối quan hệ xã hội nằm ngoài những yếu tố tạo nên thành công trong cuộc sống. Vì thế, mỗi người lao động muốn nâng cao năng lực nghề nghiệp, kỹ năng lao động hãy bắt đầu từ việc này sẽ thấy lợi ích của những mối quan hệ.
Giỏi ngoại ngữ - tự tin hội nhập
Chị Nguyễn Thuý (Giảng viên trường Cán bộ Quản lý giao thông vận tải) cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa, hội nhập, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động sâu rộng như hiện tại, ngày càng nhiều các công ty nước ngoài đầu tư sang thị trường Việt Nam, cũng như trao đổi lao động giữa các quốc gia, đem tới rất nhiều thời cơ cho người lao động.
Bởi vậy, ngoại ngữ là yếu tố vô cùng cần thiết trong bối cảnh này. Nó còn được ví như cầu nối về ngôn ngữ giữa các quốc gia trên thế giới, có công dụng tích cực trong việc giao lưu hợp tác với con người các nước. Khi mà người lao động giỏi về ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh thì đấy là một lợi thế giúp họ có nhiều cơ hội trúng tuyển vào các doanh nghiệp hơn.
“Thực tế đã chứng minh, trong những năm gần đây, có không ít sinh viên ra trường tốt nghiệp loại giỏi, thậm chí là có bằng thạc sĩ đi xin việc tại các đơn vị doanh nghiệp nước ngoài, trải qua rất tốt các vòng kiểm định về kiến thức chuyên ngành nhưng chỉ vì không đủ kỹ năng (nghe, nói, đọc, viết) của môn tiếng Anh mà bị trượt tuyển dụng… Chính vì vậy, theo tôi, kỹ năng ngoại ngữ, tiếng Anh vô cùng quan trọng đối với lao động trẻ thời nay. Cùng với các kỹ năng chuyên môn, có ngoại ngữ, chúng ta dễ dàng xin được việc làm, thu nhập cao và có cơ hội thăng tiến, chủ động và tự tin hội nhập”, chị Nguyễn Thuý nhận định.